Để gói an sinh xã hội triển khai đúng người, kịp thời

05/05/2020 - 05:19

 - Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem là gói hỗ trợ của "ý Đảng, lòng dân" nhằm chia sẻ khó khăn với người dân cả nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hơn 2 tuần qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương rà soát đối tượng đang quản lý, như: người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… Các ngành cũng tự rà soát như: Liên đoàn Lao động tỉnh thống kê danh sách người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ hợp đồng phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Cục Thuế tỉnh rà soát các hộ kinh doanh cá thể; Bảo hiểm xã hội xác định số NLĐ có tham gia bảo hiểm xã hội để hỗ trợ theo quy định của Chính phủ…

Hộ nghèo, lao động giảm thu nhập nhận hỗ trợ từ máy “ATM gạo”

Với ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, để công tác triển khai đúng đối tượng, minh bạch, kịp thời, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 440/UBND-KGVX, triển khai biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và khẩn trương tổ chức thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đề cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và sẵn sàng giải trình trước HĐND và UBND tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương. Sở Tài chính chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

Đề nghị UBMTTQVN tỉnh xem xét việc thành lập Ban giám sát các cấp để giám sát quá trình thực hiện các chính sách, đảm bảo việc thực hiện được công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội chung tay với nhà nước đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng được thụ hưởng theo quy định và nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách trên địa bàn quản lý gửi Sở LĐ-TB&XH để phối hợp Sở Tài chính tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và hỗ trợ tạm thời cho giáo viên mầm non tư thục bị giảm thu nhập trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh Covid-19

Qua ghi nhận thực tế ở các địa phương, khó khăn trong công tác rà soát là đối tượng lao động tự do không ký hợp đồng lao động, trong đó có nhóm lao động đặc thù chưa được quy định cụ thể. Các cơ sở còn lúng túng trong xác định đối tượng cần hướng dẫn thêm nghiệp vụ rà soát, xác định đối tượng, điều kiện thụ hưởng, quy trình thực hiện, nguồn vốn thực hiện…

Trước mắt, ưu tiên giải quyết cho nhóm đối tượng đang quản lý như: người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Đối với NLĐ, doanh nghiệp, lao động tự do… hoàn tất hồ sơ đến đâu thì trình xin quyết định hỗ trợ đến đó, không để dây dưa kéo dài, tạo điều kiện cho người dân nhận trợ cấp trong thời gian sớm nhất. Để việc thực hiện chính sách hỗ trợ được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời, UBMTTQ được phân cấp trong nhiệm vụ giám sát từng đối tượng.

Trước đó, Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. UBMTTQVN và các thành viên sẽ tập trung giám sát vào 8 nội dung gồm: (1) việc hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ việc không hưởng lương; (2) hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020; (3) hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; (4) việc hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; (5) việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; (6) đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; (7) việc hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; (8) việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ.

MỸ HẠNH