Điều hành hoạt động tín dụng ngân hàng thời COVID-19

14/12/2020 - 06:53

 - Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành một cách linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, tạo điều kiện giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển ổn định.

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: thực hiện chủ trương của NHNN Việt Nam về việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2020, bám sát diễn biến tình hình kinh tế, mục tiêu đã đề ra tại các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là tổ chức tín dụng), Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách, quy định về hoạt động ngân hàng góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các tổ chức tín dụng quan tâm chia sẻ, đồng hành với khách hàng

Qua triển khai quyết liệt các giải pháp, kết quả tổng số dư vốn huy động  ước thực hiện đến cuối năm 2020 là 58.101 tỷ đồng, so cuối năm 2019 tăng 7,16%; trong đó huy động trên 12 tháng đạt 19.987 tỷ đồng, chiếm 34,4%/tổng số dư vốn huy động. Tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối năm 2020 là 78.426 tỷ đồng, so cuối năm 2019 tăng 8,09%; nợ xấu 692 tỷ đồng, chiếm 0,88%/tổng dư nợ.

Đáng phấn khởi, năm 2020 kết quả một số chương trình tín dụng tăng khá so cùng kỳ, điển hình như thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: các tổ chức tín dụng giải ngân vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp thu mua lương thực dư nợ đến cuối tháng 10-2020 là 6.577 tỷ đồng, tăng 17,19% so với 31-12-2019. Cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu dư nợ đến cuối tháng 10-2020 là 7.191 tỷ đồng, tăng 19,47% so với 31-12-2019. Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp đến cuối tháng 10-2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Giang có dư nợ 246,933 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đến cuối tháng 10-2020, tổng doanh số cho vay từ đầu năm là 40 tỷ đồng; dư nợ 227 tỷ đồng. Cho 838 khách hàng vay 450 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Riêng 16 chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang ước thực hiện đến cuối năm 2020 tổng dư nợ đạt 3.389 tỷ đồng, tăng 7,68% so cuối năm 2019. Chi nhánh đã thực hiện 16 cuộc thanh, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ quản trị, điều hành, kiểm soát, nguồn vốn, cấp tín dụng, ngoại hối… của tổ chức tín dụng hoạt động, điểm giới thiệu dịch vụ công ty tài chính… Qua kiểm tra các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt cơ chế, chính sách tiền tệ của NHNN và các quy định pháp luật; nhắc nhở một số tổ chức tín dụng chưa thực hiện đúng.

Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN, các tổ chức tín dụng rất quan tâm chia sẻ đồng hành với khách hàng vay, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm tiền lương, tiền thưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, như: miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhiều gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay hiện hữu từ 0,5-2,5%/năm nhằm giúp người dân và doanh nghiệp (DN) từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Có 59.339 khách hàng được hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới). Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới là 37.233 tỷ đồng, chiếm 48,89% tổng dư nợ toàn tỉnh. Đồng thời phân loại để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ đang thi hành án, đang khởi kiện.

Tuy nhiên theo NHNN trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 gặp một số khó khăn, vướng mắc, như khó trong thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, chính vì miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ cho vay mới lãi suất thấp... nên chắc chắn trong thời gian tới các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn: giảm lợi nhuận, khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm, khả năng trả nợ của khách hàng khi đến hạn giảm dẫn đến nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng trong thời gian tới. Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 còn chậm, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chi nhánh NHNN đang tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của NHNN Việt Nam, chủ trương của UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, tăng cường đối thoại DN, tiếp xúc với các hiệp hội ngành nghề, hội doanh nhân trẻ, DN. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ DN khởi nghiệp, gắn với thực hiện các chính sách tín dụng trọng điểm của ngành, các chương trình, đề án của tỉnh. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động, nhất là tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng có biểu hiện yếu kém, xử lý nợ xấu, hạn chế “tín dụng đen”, tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích