Đình Bình Mỹ được xây dựng lần đầu vào những năm cuối thế kỷ XVIII, bằng mái tranh, vách lá, nằm bên vàm rạch Trà Vơ (cách đình hiện nay 2,5km về hướng Tây Bắc), với tên gọi đình thần Long Mỹ. Năm 1815, ngôi đình bị cháy. Sau đó, được xây dựng lại, đổi tên thành đình Bình Mỹ, theo tên của thôn Bình Mỹ, tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Năm 1890, đình được dựng lại, sau khi bị cháy lần thứ 2.
Năm 1928, ông Phạm Tứ Quý (tức thầy Phó Quý) đứng ra vận động nhân dân trùng tu đình Bình Mỹ trên nền đình cũ, dựa theo kiểu mẫu đình Châu Phú (TP. Châu Đốc).
Đình dạng hình chữ Tam, với bộ cột bằng gỗ căm xe, mái tam cấp lợp ngói đại tiểu.
Vách xây gạch bằng hồ vôi ô dước. Năm 2000, đình thần Bình Mỹ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2014, đình được nâng cấp xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Hoa văn trang trí trên các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối…, được chạm khắc tinh xảo, điêu luyện, tiêu biểu cho thành tựu điêu khắc gỗ Việt Nam thời Nguyễn và xứng đáng là một trong những di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của tỉnh An Giang.
Ngày 25/7 năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định ban sắc phong thần “Thành hoàng Bổn cảnh” cho thôn Bình Mỹ. Từ đó, sắc thần được lưu giữ và thờ cúng trang trọng tại đình cho đến nay.
Nội dung của sắc thần tạm dịch: “Sắc cho thôn Bình Mỹ, tổng An Lương, tỉnh Châu Đốc được thờ phượng vị phúc thần sở tại đã từng giữ nước giúp dân. Xét thấy xưa từng linh ứng. Nay nhân dịp đại lễ mừng thọ Trẫm tròn 40 tuổi, vậy ban chiếu báu ân sâu, theo ân lễ long trọng thăng cấp. Nên phong là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Cho phép được thờ phượng để Thần che chở cho dân của ta. Hãy kính vâng theo”.
Ông Phan Long Vĩ giữ trọng trách từ đình 5 năm nay. Mỗi ngày, ông cần mẫn quét dọn, thắp nhang trong chánh điện vào 5 giờ và 17 giờ.
Đình thần Bình Mỹ thờ “Thành hoàng Bổn cảnh”, phối thờ Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tả ban, Hữu ban, Hội đồng, Tiền hiền, Hậu hiền, Hữu văn ban, Tả võ bá, Chúa xứ sơn quân, Tổ Nhạc lễ, Thần Nông. Vì vậy, số lượng bàn thờ trong chánh điện cũng rất nhiều, việc giữ gìn vệ sinh, châm trà rót rượu… khiến ông bận rộn liên tục.
Bước vào tuổi 80, ông cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đầy vinh dự của mình cho đến khi sức khỏe còn cho phép. Giữa không gian cổ kính, trầm mặc của ngôi đình trăm năm, vóc dáng và gương mặt ông cũng trầm mặc, in hằn dấu vết thời gian.
Xung quanh đình Bình Mỹ là cuộc sống nông thôn đặc trưng của An Giang, đầy bình yên với đám trẻ đi học về lúc chiều tà.
Sau giờ tan trường, nhiều học sinh rủ nhau đến khuôn viên đình để ăn uống, trò chuyện chốc lát, rồi giã từ về nhà trước khi mặt trời lặn.
Sân đình rộng rãi được chia làm đôi, ngăn cách bằng một hàng rào nhỏ. Phần còn trống dùng để cho các hộ dân thuê mua bán thức ăn, trò chơi trẻ em. Chính vì vậy, đối lập với phần còn lại của ngôi đình cổ kính, phía bên này nhịp đời cứ diễn ra nhẹ nhàng, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia.
Vợ chồng bà Tú năm nay ngoài 50, trong đó có hơn 20 năm gắn bó với nghề bán chè xung quanh đình Bình Mỹ. Nhờ những ly chè này mà 2 con của họ học hành thành tài, cuộc sống bình đạm trôi qua. “Giờ chỉ còn vợ chồng tôi ở nhà, cứ thủng thỉnh dọn chè ra bán mỗi chiều trong sân đình. Mệt thì dọn dẹp, nghỉ ngơi sớm, đâu có gì phải lo nghĩ” – bà Tú chia sẻ.
KHÁNH ĐĂNG