Độ tuổi kết hôn của người Việt ngày càng cao, vùng nào muộn nhất?

01/08/2024 - 15:01

Số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nam giới nước ta lấy vợ khi gần 30 tuổi. Thậm chí, có địa phương, trung bình nam nữ kết hôn khi 30,4 tuổi.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có hơn 688.000 cuộc kết hôn, trong đó hơn 83% số cặp là kết hôn lần đầu.

Độ tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục ghi nhận sự gia tăng. Theo đó, năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 27,2; trong khi năm 2022 là 26,9 và năm 2021 là 26,2. 

Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; còn ở nông thôn con số này là 26,3.

Đông Nam bộ hiện là vùng người dân kết hôn lần đầu muộn nhất, ngoài 29 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu của người TPHCM là 30,4 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu là 29,3 tuổi. Người dân Khánh Hoà cũng kết hôn muộn, trung bình 29,1 tuổi. 

Độ tuổi trung bình để người Hà Nội kết hôn lần đầu năm 2023 là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sớm hơn người TPHCM 2,5 tuổi. Thanh niên Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng kết hôn ở tuổi 27,4.

Vùng người dân kết hôn lần đầu sớm nhất là Trung du và miền núi phía Bắc: 24,6 tuổi. Thanh niên ở Lai Châu kết hôn khi mới ngoài 22, sớm nhất cả nước. Người Hà Giang, Sơn La xếp thứ 2 và 3, kết hôn ở tuổi 22,8 và 22,9.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện 354 (Hà Nội), cho hay hiện thanh niên, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long hay các địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân, kết hôn muộn.

Thực tế xu hướng ngày càng rõ nét này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á. Người trẻ, không riêng nam giới mà cả phụ nữ, vừa có nhiều cơ hội, lựa chọn trong cuộc sống, kinh tế, nghề nghiệp, thăng tiến nhưng cũng đi kèm với thách thức, áp lực.

"Nhiều phụ nữ trẻ tuổi có tư tưởng muốn theo đuổi sự nghiệp, cuộc sống độc lập, tự chủ về tri thức, tài chính, vững vàng tâm lý thay vì 'đóng khung' sớm trong hôn nhân, sinh con sớm...", bác sĩ Phương nhận định.

Theo bác sĩ Phương, thông thường, kết hôn muộn đi kèm với sinh con muộn. Với phụ nữ, giai đoạn "vàng" trong độ tuổi sinh sản là từ 20-25 tuổi.

"Tuy nhiên, ở độ tuổi này, phụ nữ thế hệ mới thường vẫn đầu tư cho học hành, tốt nghiệp đại học, học thêm sau đại học, từng bước xây dựng sự nghiệp ổn định, nên 'quên mất' chuyện kết hôn, sinh con. Nhiều người lựa chọn có con sau 30 tuổi chỉ vì mong con được đầu tư, nuôi dưỡng bằng nguồn kinh tế vững vàng nhất của bố mẹ", bác sĩ Phương nói.

Trừ những trường hợp có thai ngoài kế hoạch với các bạn trẻ mới ngoài 18-20 tuổi, theo bác sĩ Phương, hiện không ít phụ nữ mang thai lần đầu khi ngoài 30, thậm chí 35 tuổi. Số phụ nữ có thai ở độ tuổi lớn hiện đã tăng lên so với khoảng 10 năm trước.

"Thậm chí có người sinh con lần đầu khi đã ngoài 40, trong khi nguy cơ bất thường với thai phụ lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên) và em bé tăng cao sau độ tuổi này", bác sĩ Phương chia sẻ.

Ở góc độ chính sách, việc người trẻ kết hôn, sinh đủ 2 con được xem là yếu tố để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc. Điều thấy rõ nhất về ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.

Bộ Y tế trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi cũng đưa ra nhận định xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội,...

Theo Vietnamnet