Doanh nghiệp đồng hành xây dựng cầu, đường nông thôn

16/03/2020 - 06:52

 - “Khi doanh nghiệp (DN) đồng hành xây dựng cầu, đường nông thôn, trước hết nói lên trách nhiệm của DN đối với cộng đồng xã hội; sự chia sẻ này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp. Việc làm này còn thể hiện tinh thần của DN trong việc ủng hộ các chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh thời gian qua. Khi DN đồng hành xây dựng cầu, đường nông thôn thì quá trình vận động nguồn kinh phí xây dựng sẽ được nhanh hơn, công trình được hoàn thiện sớm hơn”- Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu (An Giang) Trần Hoàng Hải khẳng định.

Từ Đề án 426

An Giang có mạng lưới sông rạch chằng chịt ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thực phẩm, vật tư nông nghiệp của người dân. Người và phương tiện vận chuyển muốn qua sông phải “lụy đò”.

Xác định hệ thống giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) của khu vực nông thôn, là tiền đề phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, An Giang đã ban hành Đề án số 426/ĐA-UBND về xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020.

Đề án là một sự nối tiếp chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu, đường nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2010-2015.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) cùng lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp tài trợ kéo bảng công trình chính thức đưa cầu vào sử dụng

Từ khi đề án được ban hành, nhiều công trình xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn đã được khởi công, góp phần tạo điều kiện thuận cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.

“Đề án đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Hệ thống cầu, đường giao thông phát triển đến đâu thì bộ mặt nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thay đổi đến đó. Đây là mục tiêu mà tỉnh muốn hướng đến của đề án này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết.

…Đến những công trình “Ý Đảng, lòng dân”

“Các công trình xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển KTXH của khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân… công trình còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với người dân ở vùng nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay” - ông Lê Văn Nưng khẳng định.

Để xây dựng hoàn thành 481 cây cầu trên địa bàn tỉnh, chương trình xã hội hóa cầu giao thông nông thôn huy động trên 1.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do DN trong và ngoài tỉnh đóng góp là rất lớn. Đơn cử tại địa bàn TX. Tân Châu, Chương trình vận động tài trợ xây dựng cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tạp chí Nông Thôn Việt thực hiện đã vận động các công ty, DN lớn ngoài tỉnh tài trợ gần 12 tỷ đồng để xây dựng mới 9 cây cầu kiên cố tại 9/14 xã, phường của TX. Tân Châu.

Trong đó, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Việt Nam tài trợ 4,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood tài trợ 3,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Long tài trợ 1,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Hùng Vương tài trợ 1,5 tỷ đồng.

“Tiểu thương chúng tôi rất vui khi chương trình xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh được thực hiện, việc này góp phần rất thuận lợi cho xe đến tận ruộng thu mua hàng hóa nông sản của bà con nông dân. Có thế thấy, nơi nào có điều kiện giao thông thuận tiện thì nơi đó hàng hóa nông sản bán có sẽ giá hơn” - bà Nguyễn Thị Lành (tiểu thương mua lúa ở xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Khi DN đồng hành xây dựng cầu, đường nông thôn, ngoài nguồn vốn mà DN đóng góp, việc vận động nhân dân trong khu vực xây cầu cũng thuận tiện hơn. Người có tiền thì đóng góp tiền, không có tiền thì đóng góp ngày công lao động.

Ngoài ra, các dì, các chị cũng hăng hái tham gia đóng góp công sức xây dựng cầu bằng chính sức lao động của mình như: nấu cơm, phục vụ nước uống cho các đội thi công cầu nông thôn. Tất cả đều được thực hiện với tấm lòng tự nguyện, ai nấy đều vui mừng khi cây cầu được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

“Tập đoàn Thành Long tự hào vì đã tham gia Chương trình xã hội hóa cầu giao thông nông thôn. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, lợi nhuận có được từ cộng đồng sẽ chia sẻ lại cho cộng đồng; giờ đây chúng tôi đã làm được điều đó thông qua chương trình xây dựng cầu nông thôn ở tỉnh An Giang. Việc này góp phần cho bà con đi lại thuận tiện, dễ dàng” - Chủ tịch Tập đoàn Thành Long Vũ Thành Long chia sẻ.

 

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích