Doanh thu hợp tác xã ở An Giang đạt bình quân 5 tỷ đồng/năm

10/11/2021 - 12:13

 - Sáng 10-11, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố.

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, mô hình kinh tế tập thể đã được nhiều nước phát triển thực hiện thành công, cho thấy đây là khuynh hướng tất yếu, lâu dài. Tại An Giang, mô hình kinh tế tập thể được triển khai khá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, tín dụng, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường). Trong quá trình phát triển, có nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động tốt, nhưng có những HTX hoạt động cầm chừng, hoạt động yếu kém, một số giải thể; sự tham gia của doanh nghiệp vào HTX còn hạn chế… Nội dung đánh giá tại hội nghị là cơ sở để Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tỉnh An Giang tổng hợp vào báo cáo, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo tổng kết.

Giai đoạn 2001-2021, tỉnh An Giang đã tổ chức hơn 180 lớp tuyên truyền, tập huấn,  với 15.000 lượt học viên, thành viên HTX, tổ hợp tác, nông dân tham dự. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ HTX đi học nâng cao trình độ từ bậc trung cấp trở lên để về làm việc cho HTX. Giai đoạn 2018-2020, An Giang thực hiện chủ trương thu hút nhân sự trẻ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX (đã hỗ trợ 47 nhân sự làm việc tại 47 HTX với kinh phí gần 2 tỷ đồng).

Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 836 tổ hợp tác (THT) với 17.012 thành viên. Lũy kế đến ngày 30-9-2021, toàn tỉnh có 255 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có 244 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động (chiếm 96,07%) và 10 HTX nông nghiệp yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày (chiếm 3,93%).

Đến nay, có khoảng 140.050 thành viên tham gia HTX, tăng 10,1% so thời điểm cuối năm 2001. Doanh thu bình quân của 1 HTX là 5 tỷ đồng/năm (tăng khoảng 400% so với năm 2001); lợi nhuận bình quân của 1 HTX là 900 triệu đồng/năm (tăng khoảng 400%); thu nhập bình quân của thành viên đạt 48-60 triệu đồng/năm. Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX là 4.680 lao động (tăng gần 400% so với năm 2013), thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu thành lập mới trung bình 28-33 HTX/năm để đạt số lượng 380-400 HTX vào năm 2025. Trong đó, hơn 70% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu tại hội nghị

NGÔ CHUẨN