Đổi mới, sáng tạo công tác dân vận trong tình hình mới

19/04/2022 - 06:40

 - Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, đóng góp tích cực vào sự phát triển KTXH của tỉnh.

Ký kết giao ước thi đua giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với các Ban Dân vận các huyện, thị xã, thành phố

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam cho biết, công tác dân vận tiếp tục được đổi mới và nâng chất theo hướng trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.  Hệ thống dân vận các cấp phát huy tốt vai trò tham mưu cấp ủy trong lãnh, chỉ đạo sơ kết, tổng kết và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo. Các cấp ủy Đảng và MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành các quy định, chỉ đạo về thích ứng trong điều kiện mới. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cùng các giải pháp phục hồi và phát triển KTXH.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, với hình thức phong phú, phù hợp đặc thù của từng địa phương, cơ sở, thu hút cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Tiêu biểu, như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với cuộc vận động “Toàn xây đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID -19” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã huy động sự vào cuộc tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức, đồng lòng, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” lan tỏa trong nhân dân, từng bước phát huy vai trò nòng cốt, chủ thể của nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn ổn định, tuân thủ pháp luật. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả, góp phần phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia ý kiến vào các lĩnh vực phát triển KTXH tại địa phương. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên, tạo đồng thuận trong nội bộ và nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của công tác dân vận. Từ đó, quan tâm, tạo điều kiện, có cơ chế và chính sách hỗ trợ kịp thời để hệ thống dân vận phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác dân vận. Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước gắn với tuyên truyền, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ trương vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KTXH. Tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, có tính bền vững, sức lan tỏa trong cộng đồng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, trong đó chú trọng phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” ở những nơi khó khăn, phức tạp, bức xúc nổi cộm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các khu công nghiệp…

Tăng cường nắm tình hình nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tham mưu, giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh, phức tạp ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng, gây khiếu kiện phức tạp. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong công tác chăm lo cho người dân, gắn với khơi dậy tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, tính sáng tạo của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn giáo, công tác vận động quần chúng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới…

TRUNG HIẾU