Trước đây, nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm bán cho các thương lái với giá bấp bênh. Hiện nay, vẫn trên cánh đồng đó, nhưng nông dân không khăng khăng giữ cách làm cũ, chạy theo số lượng mà chủ động đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn cao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp giảm phát thải… được đưa vào canh tác ngày càng nhiều, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây là bước chuyển tích cực từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Trồng lúa hữu cơ hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi được nông dân xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) nói chung, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông nói riêng mong muốn hướng đến. Đây là mô hình canh tác đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, đáp ứng xu thế tiêu dùng: Ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường và con người…
Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông Nguyễn Phú Cường cho biết, hợp tác xã đang sản xuất lúa theo quy chuẩn SRP. Đây là tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, giảm thiểu tác động vào môi trường sản xuất, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu, đồng thời ổn định thu nhập cho nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
“Với việc áp dụng mô hình SRP, nông dân giảm chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón và nhân công. Ngoài ra, nông dân dần thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, như: Thay đổi tập quán đốt rơm rạ, tiết kiệm nguồn nước, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp - IPM… góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng…” - ông Cường chia sẻ.
Cũng từ sự đổi mới trong suy nghĩ và cách làm của nông dân, những năm gần đây, nhiều mô hình kinh tế tập thể được hình thành và phát huy hiệu quả rõ rệt. Điển hình trong đó có Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu). Hợp tác xã được thành lập năm 2022, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2023, với 456 thành viên, vốn góp trên 5,3 tỷ đồng. Hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực: Dịch vụ bơm tưới; cung ứng phân bón, lúa giống; hỗ trợ vốn cho thành viên đảm bảo theo chỉ tiêu cũng như nhu cầu của thành viên.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 Trịnh Văn Dứt cho biết, hợp tác xã sản xuất đảm bảo theo chủ trương “2 năm, 5 vụ” của địa phương. Những năm qua, nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng lúa cao, nông dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao. Theo nhu cầu thực tiễn, hợp tác xã trang bị máy Kobe phục vụ nạo vét đường nước tưới tiêu thay cho nhân công lao động đang khan hiếm như hiện nay.
Năm 2024, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 đại diện cho thành viên ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty TNHH Minh Phát AG, diện tích 100ha/vụ với 106 hộ, trong đó có 102 thành viên hợp tác xã với diện tích 97,9ha. “Qua việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ, cho thấy việc liên kết đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo đầu ra, tránh tình trạng bị thương lái ép giá”- ông Dứt chia sẻ.
Tỉnh An Giang đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng, từng bước gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị gắn vùng nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Sự thay đổi về quan niệm và tư duy bước đầu cho thấy lợi ích, hiệu quả thiết thực mang lại cho nông dân. Tuy nhiên, để tạo sự đồng bộ về suy nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở tất cả các địa phương không phải việc dễ dàng và cần nhiều thời gian. |
ĐỨC TOÀN