Những năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện Châu Thành luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Huyện tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp điều kiện của từng địa phương.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trong từng sản phẩm nông nghiệp. Nhiều nông dân không ngừng đổi mới tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, liên kết, hợp tác trong SXKD, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua việc đổi mới tư duy sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng, như: mô hình sản xuất rau màu an toàn, trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao, trồng cây ăn trái, trồng hoa kiểng, nuôi lươn không bùn, nuôi ba ba, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học…
Nông dân mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái.
Sau khi tìm hiểu và được sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn của ngành nông nghiệp, anh Trương Văn Tài (ngụ ấp Hòa Lợi III, xã Vĩnh Lợi) đã mạnh dạn chuyển đổi 0,8ha đất trồng lúa sang trồng mận hồng đào đá trong màng lưới kết hợp trồng bưởi da xanh và na hoàng hậu.
Anh Trương Văn Tài cho biết, chi phí đầu tư cho mô hình không quá cao, chỉ hơn 150 triệu đồng để thực hiện mô hình này gần 3 năm. Hiện tại, anh Tài đang thu hoạch vụ mận hồng đào đá gần 2 tháng nay. Trung bình mỗi ngày anh bán cho thương lái khoảng 100kg, với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo tính toán của anh Tài, với việc mận thu hoạch cho năng suất và bán với giá như hiện nay cùng thu nhập từ việc trồng na hoàng hậu, sẽ đem về lợi nhuận ổn định trên 50 triệu đồng/năm, chưa kể lợi nhuận từ bưởi da xanh mang lại, do chưa thu hoạch…
Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi cũng được nhiều nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu, như: mô hình nuôi lươn thương phẩm, lươn giống không bùn trong bể lót bạt; nuôi ba ba; nuôi bò vỗ béo, nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học...
Với hiệu quả kinh tế mang lại, các mô hình chăn nuôi hiện nay trên địa bàn huyện đang có xu hướng xây dựng những khu chăn nuôi tập trung theo quy mô tổ hợp tác, gia trại, trang trại.
Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình) là một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi mô hình nuôi lươn truyền thống sang nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt, theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đường bộc bạch: “Mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP không quá phức tạp, rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Người nuôi có thể tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi, với vốn đầu tư không quá cao. Sau khoảng 8-10 tháng nuôi, nếu bán với giá từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 20 - 30 triệu đồng/bồn (40m2)”.
Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới mạnh mẽ mô hình chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
Đồng thời, quản lý tốt các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch sản phẩm nông sản, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực phát triển các sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, huyện Châu Thành duy trì và tập trung nhân rộng những mô hình làm ăn tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TRUNG HIẾU