Nông dân huyện Tịnh Biên tích cực phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Huệ thông tin: “Thời gian qua, tận dụng lợi thế đặc thù về thổ nhưỡng và khí hậu, nông dân huyện triển khai nhiều mô hình SXKD mới, với sự hỗ trợ của hội nông dân và ngành nông nghiệp địa phương.
Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bằng mô hình tiêu biểu: “Cánh đồng lớn” ở xã Tân Lập, Núi Voi, An Hảo; mô hình trồng dưa lưới, dâu tây trong nhà lưới tại xã Văn Giáo, Thới Sơn, An Phú và thị trấn Nhà Bàng; mô hình trồng quýt hồng tại xã An Hảo, An Cư và thị trấn Chi Lăng; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kết hợp với tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ ở thị trấn Tịnh Biên…”.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, các mô hình trên giúp nông dân huyện có hướng đi mới trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hạn chế được tác động tiêu cực từ thị trường. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, nông dân huyện Tịnh Biên mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa, áp dụng mô hình SXKD mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đặt ra. Một số nông dân, như ông Đoàn Rô Mel (xã An Phú), Trần Hoài Hận (xã Nhơn Hưng), Trương Công Đỉnh (xã Tân Lợi)… chuyển đổi sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Đó là liên kết tiêu thụ và chế biến đường thốt nốt, chế biến khô nhái… tổng doanh thu hàng năm đạt từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.
Từ những kết quả đạt được, Hội Nông dân huyện Tịnh Biên đề ra chỉ tiêu nâng chất phong trào thi đua SXKD giỏi trong hội viên, nông dân toàn huyện. Cụ thể, phấn đấu đến Đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi lần thứ XI (giai đoạn 2022 - 2024), tỷ lệ nông dân đăng ký thi đua SXKD giỏi tăng hơn 16%.
Trong đó, tỷ lệ nông dân giỏi cấp tỉnh đạt 15%, cấp huyện đạt 30% và cấp xã, thị trấn đạt 55%. Nông dân giỏi về trồng lúa chiếm 30%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoài cây lúa trên 35%; nông dân giỏi ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp là 30%; mô hình hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), doanh nhân nông thôn là 5%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu Hội Nông dân huyện Tịnh Biên tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào thi đua SXKD giỏi. Tiếp tục phát huy, nhân rộng kết quả phong trào, đổi mới công tác tuyên tuyền, vận động, phát động hội viên nông dân tham gia SXKD với số lượng nông dân giỏi ngày càng tăng, theo phương châm “Mỗi nông dân giỏi giúp đỡ, hướng dẫn 3-5 nông dân chưa giỏi trở thành nông dân giỏi từng cấp, tùy thuộc vào danh hiệu đạt được”.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2022-2024, Hội Nông dân huyện Tịnh Biên sẽ từng bước tuyên truyền hội viên, nông dân áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ tiết kiệm nước tưới, sử dụng chế phẩm sinh học, nâng cao chất lượng nước tưới nhằm giảm thiểu tác hại tiêu cực cho môi trường.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đẩy mạnh dạy nghề cho nông dân, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; tổ chức cho nông dân tham quan, học tập mô hình sản xuất hiệu quả trong, ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ động phổ biến nội dung, tiêu chuẩn và phiếu đăng ký thi đua SXKD đến chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và hội viên, nông dân toàn huyện. Kịp thời củng cố, nâng chất tổ hợp tác hiện có; xây dựng mới mô hình hợp tác, chuỗi liên kết sản xuất trong thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm…” - ông Huệ thông tin thêm.
Để phong trào thi đua SXKD giỏi tiếp tục phát triển về chất lượng, đòi hỏi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân huyện Tịnh Biên phải phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm, đổi mới trong cách làm. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của hệ thống chính trị địa phương và ngành chuyên môn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Năm 2022, huyện Tịnh Biên có 6.739 cá nhân và 38 tập thể được bình xét danh hiệu nông dân SXKD giỏi 3 cấp, tăng hơn 50% so với năm 2012. Trong đó, nhiều nông dân SXKD giỏi mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa… Nhiều nông dân đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho lao động tại địa phương. |
THANH TIẾN