Đổi thay xã Bình Thạnh

23/02/2024 - 05:16

 - Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương vui mừng khi xã đã “về đích” nông thôn mới (NTM).

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Thị Diệu Hiền cho biết, xác định xây dựng NTM là cơ hội để thay đổi diện mạo nông thôn cũng như tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, xã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng NTM, đặc biệt là xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Huy động sức dân xây dựng giao thông nông thôn

Là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Châu Thành, xã Bình Thạnh tích cực tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, nhằm từng bước cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân được thực hiện hiệu quả, như: Mô hình trồng rau an toàn; trồng nấm rơm dạng trụ; trồng dưa lưới bán thủy canh trong nhà màng, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; sản xuất cây giống, con giống công nghệ cao…

“Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã quan tâm củng cố, hỗ trợ hợp tác xã, tổ sản xuất rau màu hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tích cực phối hợp ngành chức năng xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm rau màu có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP hoặc tương đương, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu” - bà Trần Thị Diệu Hiền chia sẻ.

Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2023 gần 615ha, sản lượng ước đạt gần 12.167 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Hệ số vòng quay của đất 3,27 lần; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 290 triệu đồng/ha. Toàn xã Bình Thạnh có trên 160ha nông nghiệp, với 2 tiểu vùng sản xuất, hệ thống đê bao kiên cố, đảm bảo an toàn cho sản xuất rau màu. Trong đó, có 90ha rau màu an toàn, 2,5ha bắp thu trái non, bắp ngọt được bao tiêu sản phẩm.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, xã Bình Thạnh đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia thực hiện công trình an sinh xã hội bằng nhiều hình thức. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, trạm y tế từng bước được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa… tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập, giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân.

“Nhờ xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Các tuyến đường đều được mở rộng, láng nhựa hoặc đổ bê-tông, dọc 2 bên đường trồng cây xanh hoặc hoa các loại trông rất đẹp. Người dân ai cũng phấn khởi trước sự phát triển của địa phương” - ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Thạnh Nhơn) chia sẻ.

Diện mạo nông thôn xã Bình Thạnh khởi sắc

Xã Bình Thạnh thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân đóng góp an sinh xã hội bằng nhiều hình thức. Vui mừng khi được chính quyền địa phương vận động cất mới căn nhà Đại đoàn kết có diện tích 36m2, với kết cấu vách tường, mái lợp tole, ông Mai Văn Vũ (ấp Thạnh Hòa) xúc động: “Có được ngôi nhà kiên cố như thế này là mơ ước của gia đình bấy lâu nay. Cái Tết vừa rồi là một cái Tết ấm áp và hạnh phúc nhất trong đời tôi. Vợ chồng tôi quyết tâm lao động, sản xuất để thoát nghèo, chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh An Giang Phạm Thái Bình ghi nhận những kết quả địa phương đạt được trong công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM thời gian qua. Về cơ bản, xã Bình Thạnh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu xây dựng NTM theo Quyết định 1260/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Các hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, đủ thủ tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức. Qua đó, đề nghị UBND huyện Châu Thành và xã Bình Thạnh tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được; sớm trình hồ sơ theo đúng quy định để xã Bình Thạnh được công nhận xã NTM.

KHÁNH MY