Đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp

07/06/2023 - 06:23

 - Nhờ quyết tâm, nỗ lực vượt khó, cùng sự tiếp sức, hỗ trợ của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Tặng giấy khen về thành tích phát triển kinh tế, khởi nghiệp cho các hội viên, phụ nữ điển hình

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Phan Thị Xuân Mai cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 939), Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Châu Phú chủ động tham mưu Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 939 huyện Châu Phú ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025.

Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch và các hướng dẫn để triển khai đến Hội LHPN nữ xã, thị trấn, trong đó có kế hoạch thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 939 huyện. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, cung cấp những nội dung liên quan việc hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đến hệ thống hội LHPN cơ sở giúp nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện, đặc biệt tập trung vào nhóm phụ nữ tiểu thương, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp.

Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cấp hội LHPN huyện Châu Phú còn phối hợp mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, làm hoa vải, thiết kế vườn, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, chế biến thủy sản, đan ghế mây và giới thiệu việc làm cho 2.196 lao động nữ. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay từ nhiều chương trình, dự án để triển khai ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong các lĩnh vực chăn nuôi, mua bán, trồng vườn; duy trì các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội phụ nữ, tổ hùn vốn xoay vòng để giúp vốn cho phụ nữ mua bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dù gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhiều phụ nữ đã đạt những thành công nhất định. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Do (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng bưởi kết hợp du lịch vườn sinh thái, mang đến nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Kể về quá trình phát triển kinh tế từ mô hình vườn sinh thái, bà Do chia sẻ: “Trước đây, gia đình canh tác 1ha đất trồng lúa nhưng thu nhập không ổn định. Được Hội LHPN thị trấn Vĩnh Thạnh Trung giới thiệu, tôi tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở địa phương, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2018, gia đình chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vườn, chủ lực là bưởi da xanh, kết hợp đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái. Đến nay, kinh tế gia đình được cải thiện”.

Để hỗ trợ bà Do mở thêm một số dịch vụ phục vụ khách tham quan, cũng như cải tạo hệ thống tưới tiêu, làm sạch đất, nuôi trùng quế bón cho vườn cây, thay thế một số sản phẩm hóa học, Hội LHPN thị trấn Vĩnh Thạnh Trung giới thiệu vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú. Hiện nay, khu vườn của bà Do đang dần chuyển sang phương thức canh tác hữu cơ.

Là một trong những gương phụ nữ vượt khó khởi nghiệp tại địa phương, chị Kim Hai (xã Ô Long Vĩ) đã thành công phát triển kinh tế bằng hình thức kinh doanh cơm cháy chà bông. Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, chị Kim Hai chia sẻ: “Lúc trước, vợ chồng tôi bán hàng rong, công việc phải di chuyển vất vả nhưng thu nhập rất bấp bênh. Sau khi biết cách làm cơm cháy chà bông, tôi chuyển sang nghề này với mong muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên chính quê nhà”. Sau 5 năm khởi nghiệp, cơ sở làm cơm cháy chà bông của chị Kim Hai dần được nhiều người biết đến và giải quyết việc làm thường xuyên cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Bà Phan Thị Xuân Mai cho biết: “Ngoài những gương phụ nữ điển hình phát triển kinh tế, còn có nhiều mô hình liên kết sản xuất do phụ nữ thực hiện phát huy hiệu quả, như: Tổ đan võng (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) có 21 thành viên, tổ trồng bông điên điển (xã Khánh Hòa) với 23 thành viên... Các mô hình góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ.

Ngoài ra, hàng năm, Hội LHPN huyện còn tổ chức “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”, với hình thức trưng bày các sản phẩm do phụ nữ sản xuất. Tại “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” diễn ra trong tháng 3 vừa qua, có 37 phụ nữ làm chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh trực tiếp giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình. Hội LHPN xã, thị trấn tổ chức trưng bày giới thiệu nhiều mặt hàng do phụ nữ của huyện sản xuất để quảng bá sản phẩm”.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thời gian tới, hội LHPN các cấp huyện Châu Phú tiếp tục tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nhận diện thương hiệu và hướng dẫn quy trình đăng ký nhãn hiệu sản phẩm do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Đồng thời tìm hiểu, giới thiệu cho hội viên, phụ nữ vay vốn từ các chương trình, dự án để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phụ nữ quảng bá các mặt hàng, sản phẩm nhân việc tổ chức các sự kiện, lễ hội... trên địa bàn huyện, cũng như tham gia ngày hội khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, góp phần đưa sản phẩm “Phụ nữ khởi nghiệp” của huyện Châu Phú đến các địa phương trong và ngoài tỉnh…

MỸ LINH