Đưa khoa học và công nghệ vào nông nghiệp

12/01/2024 - 08:20

 - Với sự “tiếp sức” của khoa học và công nghệ (KH&CN), chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp càng có điều kiện phát huy giá trị. Với chiếc điện thoại thông minh, nông dân, thành viên hợp tác xã (HTX) dễ dàng điều khiển máy móc, ứng dụng theo dõi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Theo UBND tỉnh, thực hiện Quyết định 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đến năm 2030, công tác tư vấn phê duyệt, tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu các nội dung nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp… đã bám sát tình hình thực tế, được chọn lọc kỹ, không còn dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tại An Giang.

Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện 56 nhiệm vụ KH&CN, trong đó 21 nhiệm vụ KH&CN góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (10 cấp tỉnh, 11 cấp cơ sở). Đối với lĩnh vực trồng trọt, có 10 nhiệm vụ được triển khai (3 cấp tỉnh, 7 cấp cơ sở), tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng chủ lực của địa phương, như: Lúa, cây ăn trái, rau màu... Đối với lĩnh vực thủy sản, triển khai 11 nhiệm vụ KH&CN (7 cấp tỉnh, 4 cấp cơ sở), tập trung nghiên cứu sản xuất giống, cải tiến quy trình ương nuôi, thương phẩm trên cá cóc, cá tra, lươn, cá lóc, cá trèn bầu, cá sát… Nghiên cứu đã giúp người nuôi chủ động được nguồn giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi.

Sản phẩm OCOP của An Giang được kết nối bán hàng trên Shopee

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các kết quả nghiên cứu về giống mới, kỹ thuật canh tác mới, mô hình ứng dụng phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương đã góp phần làm gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương. Điển hình như: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa”; dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang”; đề tài “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp đánh giá chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các tiểu vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do hạn ở tỉnh An Giang”; dự án “Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa tại HTX nông nghiệp Sơn Hòa”, “Ứng dụng dây chuyền phối trộn tự động vào quy trình sản xuất phân bón vô cơ của Công ty Cổ phần Hóa Nông An Giang”.

Sở KH&CN cho biết, hầu hết kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được chuyển giao cho các đơn vị liên quan ứng dụng, nhân rộng trong thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân từng bước thay đổi nhận thức, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các hoạt động tuyên truyền, chủ sở hữu nhãn hiệu chú trọng nhiều hơn đối với tài sản trí tuệ của mình; việc hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đang hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển tài sản trí tuệ hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, hoàn thiện quy trình sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, chế biến sản phẩm nông sản trong 4 ngành hàng chủ lực (lúa - gạo, cá tra, rau - màu và cây ăn trái) thuộc Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, một số ngành hàng tiềm năng (hoa kiểng, cây dược liệu…).

Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0. Thực hiện Đề án thương mại điện tử quốc gia “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến theo xu hướng quốc tế cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang”, DN, HTX trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 10 bộ thương hiệu trực tuyến.

Năm 2023, tỉnh dành nguồn kinh phí 1,8 tỷ đồng để khuyến khích, hỗ trợ DN chuyển đổi số; tập huấn “Kỹ năng bán hàng online” trên nền tảng TikTok cho khoảng 100 DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 19 DN tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee; đưa 88 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) lên trang sản phẩm OCOP tỉnh để tuyên truyền, quảng bá; đưa 150 sản phẩm OCOP, nông sản lên trang web http://sanphamangiang.com và http://ketnoiocop.vn.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phối hợp Công ty TikTok Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, kết hợp livestream trên nền tảng TikTok; liên hệ Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty TikTok Việt Nam và Nhà quản lý mạng đa kênh (KOLIN MCN) để tổ chức sự kiện này.

Đến nay, tỉnh hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, tham gia bán hàng qua các trang thương mại điện tử trên ứng dụng mua sắm trực tuyến, như: Sendo của FPT; Voso của Viettel Post; Postmart của VnPost; Tiki-BigC/GO; Shopee và Lazada...

HOÀNG XUÂN