Duy trì và phát triển thế mạnh môn võ cổ truyền

15/05/2020 - 05:12

 - Những năm gần đây, phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Bên cạnh phát triển phong trào, bộ môn còn chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ, nhằm xây dựng lực lượng kế thừa chất lượng, hướng đến thành tích cao trong giai đoạn tới.

Võ cổ truyền là môn thể thao không những mang lại sức khỏe, mà còn giúp người học có khả năng tự vệ trước các tình huống nguy hiểm đối với bản thân. Việc đưa võ cổ truyền vào trường học mang đến ý nghĩa và lợi ích rất lớn, khi giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập, lao động tốt.

Những năm qua, phong trào tập luyện võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều câu lạc bộ (CLB) được thành lập mới, duy trì sinh hoạt thường xuyên, hiệu quả. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có CLB võ cổ truyền hoạt động, thu hút hơn 3.000 võ sinh thường xuyên tham gia tập luyện.

Trong đó, phần lớn các CLB sinh hoạt ở các điểm trường, với đa số võ sinh là học sinh, sinh viên. Một số địa phương có CLB võ cổ truyền phát triển mạnh và giành thành tích cao tại các giải trong tỉnh, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Tri Tôn…

Các vận động viên võ cổ truyền tích cực tập luyện

Phong trào phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để bộ môn võ cổ truyền tỉnh tuyển chọn nhân tố trẻ, triển vọng vào đội năng khiếu để đào tạo, nhằm xây dựng lực lượng kế thừa chất lượng, hướng đến thành tích cao trong giai đoạn tới. Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp các địa phương tổ chức các giải trẻ, học sinh hay các CLB.

Qua đó, góp phần duy trì, phát triển môn võ cổ truyền cũng như tạo điều kiện cho các vận động viên (VĐV) thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Đây là cơ hội tốt để những người làm công tác chuyên môn “săn” nhân tài võ thuật.

Bên cạnh việc phát hiện các em có tố chất tại các giải thi đấu cấp tỉnh, huyện, bộ môn còn tích cực tìm kiếm những nhân tố mới thông qua các kỳ thi thăng đẳng của các CLB.

Đặc biệt, để xây dựng lực lượng kế thừa có chất lượng, chiều sâu, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về tố chất, năng khiếu thì đòi hỏi các VĐV phải thật sự kiên trì và có niềm đam mê với môn võ cổ truyền. Bởi để đạt thành tích cao thì không phải rèn luyện “một sớm, một chiều” mà cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực tập luyện…

Sau thời gian chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo VĐV trẻ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh từng bước khẳng định vị thế tại các giải khu vực và toàn quốc.

Đặc biệt, các VĐV trẻ thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi được tạo điều kiện thi đấu. Hiện tại, bộ môn võ cổ truyền tỉnh duy trì tập luyện đều ở 3 tuyến, với lứa VĐV có tuổi đời còn trẻ, chuyên môn khá tốt.

Bộ môn võ cổ truyền tỉnh sở hữu lứa VĐV trẻ có chất lượng chuyên môn khá cao và giàu lòng nhiệt huyết, như: Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Phú Quí, Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Lưu Thị Phương Thảo, Trịnh Minh Trí…

Ngoài việc duy trì thế mạnh ở các hạng cân đối kháng nữ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đang tích cực đào tạo các VĐV đối kháng nam, đặc biệt là các nội dung quyền, nhằm hướng đến sự đa dạng các nội dung khi tham gia các giải toàn quốc, giúp bộ môn đạt nhiều thành tích cao.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người Việt Nam mà còn khơi dậy lòng tự hào truyền thống thượng võ của dân tộc, tính nhân văn của con người. Võ thuật cổ truyền Việt Nam là môn thể thao dân tộc góp phần truyền bá rộng rãi giá trị văn hóa cao đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Bài, ảnh: KHÁNH MY