Gạo Việt Nam thêm cơ hội tiếp cận thị trường Anh

07/08/2023 - 08:16

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, gạo Việt Nam đang có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại Anh khi Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này - ngừng xuất khẩu gạo.

Gạo thơm Việt Nam Jasmine và các loại gạo đặc sản như nếp cái hoa vàng, gạo lứt, gạo huyết rồng được bày bán tại chuỗi siêu thị Longdan. Ảnh: Minh Hợp/TTXVN

Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết, với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi Anh hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết mặc dù xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, Việt Nam chỉ chiếm thị phần khiêm tốn tại thị trường tiềm năng này.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh ghi nhận bước tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022, đạt gần 3.400 tấn, trị giá hơn 3,7 triệu USD, tăng 24,5 % về lượng và 34% về giá trị so với năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,6% thị trường nhập khẩu gạo của Anh, đứng thứ 14 trong các nước xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, việc Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại Anh, chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này- đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023.

Tham tán Thương mại nhận định nguồn cung gạo từ Ấn Độ đột ngột giảm tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định định thời điểm hiện tại là cơ hội tốt để gạo Việt Nam gia tăng thị phần tại Anh, đặc biệt với lợi thế cạnh tranh về thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch tập đoàn EUTEK Group, doanh nghiệp phân phối độc quyền gạo ST25 Ông Cua tại Anh, cũng cho rằng gạo hạt dài Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường Anh trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tạo thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá gạo tăng. Ông Nguyễn Hải Nam nhận định Anh là thị trường tiềm năng lớn cho gạo Việt Nam, một trong những mặt hàng được miễn thuế theo UKVFTA.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Quản lý phát triển sản phẩm, tập đoàn Longdan, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất tại Anh, cho biết nhu cầu nhập khẩu, tiêu thụ gạo tại Anh tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay. Bà dẫn chứng lượng nhập khẩu gạo Việt Nam của Longdan từ đầu năm đến nay tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch EUTEK Group, nhà phân phối gạo độc quyền ST25 Sóc Trăng Ông Cua. Ảnh: Minh Hợp/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Minh Phương nhận định, mặc dù chưa tác động ngay tới thị trường, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong tương lai có khả năng sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tại Anh, vì vậy thúc đẩy tiêu thụ từ gạo từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương cho rằng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh có triển vọng tốt khi thị phần gạo Ấn Độ sẽ chuyển sang các nhà xuất khẩu khác như Việt Nam, Thái Lan, trong đó gạo Việt Nam đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ giá cả và chất lượng cạnh tranh so với gạo Thái Lan. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ thêm, với lệnh cấm, các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan, chỉ ra đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh, trước đây vốn chỉ có quan hệ đối tác lâu dài với các nhà cung cấp Ấn Độ và Thái Lan.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp tại thị trường Anh, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.

Tham tán Thương mại khuyến nghị, tại thời điểm thuận lợi hiện nay, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam với chất lượng tốt và lợi thế cạnh tranh nhờ UKVFTA, các nhà xuất khẩu cần tận dụng cơ hội vàng để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam, thay vì thương hiệu của nhà phân phối, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về gạo Việt Nam. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, trong nhiều năm qua, mặc dù là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam xuất sang Anh cũng như nhiều nước khác thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam. Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hải Nam chia sẻ không những cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mà còn cần sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng với thương hiệu. Ông Nguyễn Hải Nam lấy ví dụ về thương hiệu gạo ST25 Sóc Trăng do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo, đã được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu song với chất lượng không đồng đều do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mua giống loại gạo này và sản xuất theo các quy trình khác nhau. Theo ông Nguyễn Hải Nam, điều này đã ảnh hưởng tới thương hiệu gạo ST25 trên thị trường thế giới, cho rằng phải có các tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất thống nhất cho loại gạo đặc sản mang thương hiệu quốc gia. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp cùng xuất khẩu giống gạo ST25 với quy trình sản xuất khác nhau, thì cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch EUTEK Group (phải) tại lễ ký phân phối độc quyền gạo ST25 tại thị trường Anh. Ảnh: Minh Hợp/TTXVN

Tham tán Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, với yêu cầu về chất lượng sản phẩm và  sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững của Anh cũng như châu Âu, các nhà sản xuất Việt Nam cần áp dụng đại trà tiêu chuẩn Global GAP, cho rằng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương trồng lúa cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật cũng như kinh phí để mở rộng việc áp dụng Global GAP, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý sản phẩm và quản lý rủi ro của ngành trồng lúa Việt Nam, là cơ sở để các nhà nhập khẩu, phân phối ở Anh và châu Âu, tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng khuyến nghị, để tận dụng cơ hội xuất khẩu mới này, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thông qua việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp thu mua và kiểm soát xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nếu có thể chào ký hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo được niềm tin đối với các đối tác Anh về khả năng cung ứng gạo ổn định của Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng quan hệ bạn hàng lâu dài.

Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ tại Anh bởi đây là cơ hội lớn để tìm kiếm bạn hàng. Ông Nguyễn Hải Nam cho biết, hằng năm Anh có 3 hội chợ lớn, quy tụ hàng ngàn doanh nghiệp, nhà phân phối, người mua sỉ và mua lẻ, trong đó có Hội chợ thực phẩm đặc sản sẽ được tổ chức tại London vào ngày 12/9, với sự góp mặt của các doanh nghiệp mua hàng lớn tại thị trường Anh. Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng tham dự Hội chợ này sẽ là cơ hội tốt để các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tìm được bạn hàng nhập khẩu trong năm 2024.

Theo TTXVN