Giá nhiều mặt hàng nông sản giảm do dịch bệnh

21/06/2021 - 04:49

 - Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương trong tỉnh đang rớt giá. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đời sống người nông dân.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn

Giá giảm

Bình Thủy là xã thuần nông của huyện Châu Phú. Nơi đây, bà con nông dân canh tác chủ yếu là các loại rau màu để phát triển kinh tế gia đình. Tùy theo điều kiện thời tiết, mùa vụ... nông dân ở đây canh tác luân canh nhiều loại rau màu khác nhau để cung ứng sản phẩm đa dạng cho thị trường.

Vụ mùa sản xuất này, nông dân xã Bình Thủy canh tác chủ yếu là củ cải trắng. Với nhiều ưu điểm, như: nhẹ công chăm sóc, năng suất cao... loại cây trồng này đã giúp nhiều hộ nông dân có được cuộc sống ổn định hơn. Canh tác 1.000m2 củ cải trắng, nông dân Nguyễn Quốc Khanh (xã Bình Thủy) cho biết, thời gian này, nông sản của bà con đang bước vào cao điểm thu hoạch. Năm nay, do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi nên năng suất không cao. Giá bán củ cải trắng (tại ruộng) thấp hơn so với năm trước. “Hiện nay, củ cải trắng được thương lái thu mua với giá 12 triệu đồng/công (1.000m2). Với mức giá này, 1 công đất trồng củ cải trắng mang về lợi nhuận khoảng 2-3 triệu đồng” - ông Khanh chia sẻ.

Hầu hết, các hộ nông dân tại xã Bình Thủy canh tác với quy mô nhỏ, từ 1.000-3.000m2/hộ. Nông sản ở đây chủ yếu bán các thương lái trong tỉnh cũng như xuất sang thị trường Campuchia. Nông dân Nguyễn Văn Hai (xã Bình Thủy) cho biết, năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên nông sản khó tiêu thụ hơn so với mọi năm. “Giá củ cải trắng thấp hơn mọi năm từ 3-4 triệu đồng/công. Nếu như những năm trước đây, 1 công đất trồng củ cải trắng thu về lợi nhuận ít nhất 5 triệu đồng thì năm nay giảm xuống một nửa. Dù giảm giá nhưng nông dân vẫn còn lời chút đỉnh” - anh Hai chia sẻ.

Cũng theo anh Hai, giá mặt hàng nông sản này hiện đang có dấu hiệu “nhích lên”. Điều này giúp nông dân đỡ lo lắng hơn.

Đầu ra gặp khó

Cùng hoàn cảnh nông sản rớt giá như ở xã Bình Thủy, nông dân canh tác rau màu ở xã Kiến An (huyện Chợ Mới) gặp khó khăn hơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Kiến An Nguyễn Văn Minh cho biết, những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng rau màu trong xã nói chung, HTX nói riêng đang “đứng ngồi không yên”, bởi nông sản làm ra không tiêu thụ được.

“Sản phẩm của chúng tôi được bán cho thương lái là chủ yếu. Bên cạnh đó, chỉ một số ít được bán vào hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều đầu mối ngưng tiêu thụ khiến nhiều mặt hàng nông sản bị ứ đọng. Ngoài ra, thương lái thu mua các loại hoa màu tại ruộng giảm từ 30-50% so với thời điểm trước” - ông Minh lo lắng.

HTX Rau an toàn Kiến An đang quản lý diện tích đất khoảng 80ha, canh tác trên 10 loại rau màu, chủ yếu là cải xà lách, củ cải, hành lá, các loại rau gia vị... Nhiều nông dân cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến đầu ra của mặt hàng nông sản nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, người dân hạn chế ra chợ, siêu thị để mua sắm hàng hóa.

Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí... đều trì hoãn nên sức tiêu thụ các mặt hàng này giảm mạnh so với thông thường. Cùng với đó, việc thông thương hàng hóa với thị trường Campuchia gặp khó khăn, sản phẩm chỉ được tiêu thụ ở chợ địa phương, nên rơi vào tình trạng dội chợ. Điều này kéo theo giá nhiều loại mặt hàng giảm như hiện nay.

Câu chuyện “được mùa, mất giá” vẫn thường xảy ra đối với người nông dân. Bởi thị trường đầu ra cho nông sản chưa ổn định, chủ yếu là do bà con nông dân tự sản xuất, tự tiêu thụ với giá bấp bênh, lên xuống thất thường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn.

Do đó, để thích ứng với tình hình hiện nay, các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, các địa phương cần chủ động tìm cách kết nối tiêu thụ bằng nhiều kênh khác nhau, chuyển đổi phương thức bán hàng. Đồng thời, cần có sự định hướng, chung tay của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

ĐÌNH ĐỨC