Giá ngô “bình tĩnh” đi ngang trong hơn 1 tháng qua
Ngô là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong nguyên liệu sản xuất TĂCN tại Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của ngành. Quay trở lại giai đoạn đầu tháng 5 khi giá ngô đạt mức cao nhất trong 8 năm qua, các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta đã “chao đảo” khi chi phí sản xuất tăng phi mã. Tuy nhiên, sau nhiều nhịp điều chỉnh thì hiện tại, thị trường ngô đã trở lại với tính chất biến động ổn định hơn nhưng giá vẫn neo ở mức cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12, giá ngô kỳ hạn tháng 3 trên Sở Giao dịch giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng gần 1% lên mức 591 cent/giạ ( 233 USD/tấn). Hầu như trong hơn 1 tháng vừa qua, giá ngô chỉ biến động trong khoảng giá 570 – 590 với biên độ mỗi phiên chỉ đạt trung bình khoảng 7 cents. Sắc xanh cũng bao trùm lên các mặt hàng còn lại trong nhóm giúp chỉ số MXV – nông sản hôm qua tăng 1,2% lên mức 1625 điểm.
Thời tiết ở Nam Mỹ đang là yếu tố có sức ảnh hưởng nhất lên giá nông sản
Trong 3 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, Mỹ vừa hoàn thành giai đoạn thu hoạch ngô và đậu tương nên nguồn cung gần như sẽ không chịu thêm rủi ro nào. Chính vì thế, thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào triển vọng mùa vụ tại Argentina và Brazil.
Tháng 12 sẽ là thời điểm quan trọng và nhạy cảm đối với cây trồng ở những khu vực này khi độ ẩm sẵn có đã bắt đầu cạn kiệt trong giai đoạn phát triển quan trọng hơn của ngô. Tuy nhiên, khô hạn kéo dài từ tháng 11 và dự báo sẽ tiếp diễn trong tháng 12 ở cả 2 nước này đang gây ra nhiều ảnh hưởng và nguy cơ tới sản lượng cây trồng.
Nông dân Argentina đã phải tạm ngừng gieo trồng và chuẩn bị cho vụ gieo trồng ngô muộn để tránh tình trạng khô hạn có thể xảy ra trong những tháng tới. Sở giao dịch Buenos Aires (BAGE) còn cho rằng triển vọng thời tiết của Argentina đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động sản xuất ngô.
Còn tại Brazil, một số khu vực phía bắc trung tâm Rio Grande do Sul đã trải qua 60 ngày không có mưa đáng kể và những trận mưa gần đây cũng không đủ để giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt độ ẩm đang diễn ra. Hiệp hội Nông nghiệp địa phương cho biết, phần lớn diện tích ngô trong khu vực bị thiệt hại 70% và với những khu vực tồi tệ nhất, mức thiệt hại thậm chí còn lên tới 90%. Hãng tư vấn AgRural đã cắt giảm sản lượng ngô trong niên vụ 2021/22 của Brazil xuống mức 114,4 triệu tấn, thấp hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Giá ngô CBOT liên tục trải qua những phiên nỗ lực vượt lên khoảng đi ngang trước những ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết khô hạn ở 2 quốc gia Nam Mỹ lên chất lượng mùa vụ đang được gieo trồng tại đây. Siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá tưởng như đã kết thúc nhưng những dấu hiệu hiện tại lại cho thấy nguy cơ thị trường nông sản lại sắp bước vào một đợt tăng mới.
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn là áp lực đối với các doanh nghiệp
Ngành chăn nuôi có thể xem là miếng đất màu mỡ khi các con số tăng trưởng trong vài năm qua luôn đạt mức ấn tượng, trung bình 5-6% mỗi năm. Hiện nay, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ năm trên toàn cầu vào các năm 2021/22.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 11 của nước ta đạt 1.035.868 tấn, cao hơn 26,3% so với trong tháng 10 và nâng lũy kế nhập khẩu ngô về Việt Nam kể từ đầu năm 2021 lên mức 9,52 triệu tấn.
Tuy nhiên, với dự báo hạn hán kéo dài ở Nam Mỹ, giá nông sản có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn đầu năm sau. Trong khi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu đang đặt ra bài toàn về chi phí nguyên liệu cho các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa.
Theo KHÁNH LINH (TTXVN)