Giải bài toán nông sản

20/02/2020 - 16:58

 - Tốc độ tăng trưởng khá của khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) năm 2019 vừa là động lực, vừa là áp lực cho ngành nông nghiệp năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-2019. Đầu ra ổn định cho nông sản có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng khu vực I và tác động lớn đến đời sống nông dân.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa là một trong những hướng ra cho nông nghiệp

Tăng cường sản xuất

Năm 2019 là một năm ghi nhận nỗ lực của ngành nông nghiệp khi tốc độ tăng trưởng khu vực I tăng 2,65% so năm 2018 (kịch bản đề ra là 2,63-3,34%); giá trị tuyệt đối (VA) đạt 19.588 tỷ đồng, tăng 505 tỷ đồng. Ước giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 183 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng so năm 2018. Những cố gắng vượt khó đã giúp duy trì sản lượng lúa hơn 3,92 triệu tấn (xấp xỉ cùng kỳ), sản lượng cây ăn trái 241.000 tấn (tăng 29.000 tấn), sản phẩm cá tra lần đầu tiên vượt mức 400.000 tấn (tăng 19,19%)…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2020, năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm (2016-2020), ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Cùng với đó là nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị canh tác. Tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đặt mục tiêu đạt giá trị tăng thêm năm 2020 (giá so sánh 2010) từ 2,6-3,04%, giá trị sản xuất nông nghiệp 192 triệu đồng/ha, tỉnh đặt mục tiêu cho từng ngành cụ thể. Đối với cây hàng năm, tổng diện tích gieo trồng dự kiến đạt 669.600ha, trong đó diện tích lúa - nếp 614.000ha (giảm 12.000ha), năng suất bình quân 6,38 tấn/ha (tăng 0,12 tấn/ha), sản lượng 3,919 triệu tấn (tương đương 2018); diện tích rau màu 55.600ha.

Đối với chăn nuôi, thực hiện tái đàn heo sau bệnh dịch tả heo Châu Phi, phát triển đàn bò, gia cầm theo hướng chăn nuôi lớn, nông trại, gia trại. Đối với thủy sản, tổng diện tích nuôi dự kiến đạt 3.487ha (cá tra 1.528ha, tôm 20ha, ương nuôi giống thủy sản 1.576ha), sản lượng 575.000 tấn (nuôi trồng 559.000 tấn, khai thác 16.000 tấn)…

Đánh giá tác động

Kế hoạch sản xuất năm 2020 được triển khai tốt khi đến nay, diện tích xuống giống lúa - nếp vụ đông xuân đạt 229.392ha (đạt 97,53% kế hoạch); năng suất trà lúa sớm đạt bình quân 7,02 tấn/ha. Đối với rau màu, đã xuống giống 10.587ha, đạt 53% kế hoạch và đang tiếp tục xuống giống. Các kế hoạch về chăn nuôi và thủy sản đang tiếp tục được triển khai...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, từ đầu năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ngay trong vụ đông xuân 2019-2020, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản đang bị tác động. Nếu tình hình xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc tiếp tục trở ngại thì lĩnh vực trồng trọt sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ lúa và một số loại cây ăn trái sẽ cho thu hoạch với sản lượng lớn trong thời gian tới như: xoài, chuối.

Đối với chăn nuôi, do thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa nên ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đối với thủy sản, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hoạt động xuất khẩu tiếp tục bị gián đoạn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc hạn chế hoạt động xuất, nhập khẩu nên doanh số xuất khẩu của DN sẽ bị ảnh hưởng lớn, có khả năng các đơn hàng xuất khẩu sẽ bị giảm từ 30-40% so kế hoạch. Bù lại, các thị trường xuất khẩu khác như: Hoa Kỳ, Úc, Liên minh Châu Âu… vẫn ổn định và các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục ký hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2020.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 để chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Sở Công thương sẽ chủ trì phối hợp Sở NN&PTNT, các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc với một số DN thu mua nông sản để thúc đẩy, tăng cường liên kết thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các DN. Các sở, ngành sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản vào các tỉnh, thành phố lớn, hệ thống siêu thị (Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart…), các chuỗi cung ứng…

NGÔ CHUẨN

Đối với các DN, đề nghị vẫn tiếp tục thu mua nông sản để thực hiện cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, theo dõi chặt chẽ tình hình xuất, nhập khẩu của Trung Quốc để có giải pháp kịp thời.