Phóng viên Báo An Giang có tác phẩm đạt giải C
TS. Trần Bá Dung (Trưởng ban Thư ký Tổng hợp Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Ủy viên Hội đồng chung khảo) khẳng định: “Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII-2018 được các cấp hội hưởng ứng tích cực, tác phẩm gửi về dự giải ở mức nhiều nhất từ trước đến nay, đúng hạn, hồ sơ đúng quy định, chất lượng tốt. Kết quả khảo sát cho thấy, có 4 cái nhất của mùa giải năm nay, gồm: số tác phẩm dự giải ở mức cao nhất (1.810 tác phẩm, trong đó có 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự giải); hơn 120 đơn vị cấp hội tham dự giải, đặc biệt lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm tham dự. Điều này cho thấy sức hút của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp hội, các nhà báo, cộng tác viên trong cả nước. Tác phẩm chống tham nhũng, tiêu cực vào chung khảo nhiều nhất (trong 147 tác phẩm vào chung khảo, đặc biệt có tới 75 tác phẩm (hơn 50%) có nội dung đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tệ nạn xã hội, phản biện, giám sát, phê phán những mặt trái, tiêu cực của đời sống xã hội). Bên cạnh đó, giải kỳ này có số lượng tác phẩm dài kỳ nhiều nhất; tác phẩm có dạng thức thể hiện nghiệp vụ mới nhiều nhất”.
Theo đánh giá, các tác phẩm tham dự lần này phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018 như: tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2018; các hoạt động đối ngoại của nhà nước Việt Nam trong năm 2018; về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công cuộc giảm nghèo bền vững; các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý giáo dục; nạn "tín dụng đen"; những đề tài truyền thống như: lịch sử, văn hóa, an ninh - quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; những vấn đề mới như: khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống; phòng, chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Nhiều tác phẩm được thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp, mang tính phát hiện, tính phản biện tốt, đi đến tận cùng vấn đề, có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan tỏa cao.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải (21-6), ngoài việc biểu dương thành tích của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước và thành công của giải năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những khó khăn mà báo chí và đội ngũ những người làm báo đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh báo chí chính thống bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt cả về mức độ ảnh hưởng, thị phần thông tin và quảng cáo. “Đất nước ta đang trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra những cơ hội thuận lợi, không gian phát triển rộng lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí cách mạng Việt Nam cần phát huy những giá trị cốt lõi của mình về tính cách mạng và tiên phong. Báo chí phải thể hiện, phản ánh trung thực về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới; môi trường sống an toàn, thân thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín và vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Thông tin tích cực phải là dòng chủ lưu chính trên báo chí, dù viết về tham nhũng, tiêu cực cũng phải trên tinh thần đấu tranh, xây dựng. Chú trọng tuyên truyền về những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được qua 13 lần tổ chức, theo chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia hàng năm, nâng tầm của giải cả về quy mô và chất lượng tác phẩm; thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng các hội viên, nhà báo.
106 tác phẩm xuất sắc được trao giải năm nay, bao gồm: 7 giải A, 23 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích. Nhà báo Gia Khánh (Báo An Giang) đã đạt giải C với loạt bài 5 kỳ “40 năm ấy - biết bao nhiêu tình!”. |
Bài, ảnh: VẠN LỘC