Giải pháp giảm bạo lực học đường

07/05/2019 - 08:06

 - Tình trạng bắt nạt, bạo lực xảy ra giữa các nhóm học sinh, giáo viên và học sinh, phụ huynh và giáo viên diễn ra ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng và tính chất các vụ việc, gây hoang mang và tạo sự bức xúc trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội nghị trực tuyến trên cả nước nhằm tìm kiếm giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà là một trong những vấn đề toàn cầu. Bạo lực học đường gồm bạo lực về mặt thể chất như trừng phạt thân thể; bạo lực tâm lý, trong đó có lạm dụng bằng lời nói, tình dục (cưỡng hiếp, quấy rối); bắt nạt (bắt nạt trực tiếp hay bắt nạt trực tuyến trên internet). Hậu quả để lại của các vụ bạo lực không chỉ là những đau đớn về mặt thân thể, mà còn là những chấn thương tâm lý, gây ám ảnh cho nạn nhân suốt thời gian dài. Các vụ bạo lực thường xảy ra ở các trường THCS, THPT, nhất là bậc học THCS, bởi những thay đổi về mặt tâm lý lứa tuổi như: sự nổi loạn, thích thể hiện. Đôi khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ như: va chạm nhau, mâu thuẫn trên mạng xã hội, giành giật tình cảm dễ dẫn đến tổ chức đánh hội đồng, làm nhục bạn học bằng cách lột sạch đồ và quay clip tung lên mạng.

Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nguyên nhân cơ bản nhất là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo nhưng không thể thiếu vai trò giáo dục đạo đức, sự quan tâm thương yêu của gia đình đối với các em và vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội gần gũi với các em nhất. TS Nguyễn Văn Hòa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng: “Với vai trò là hiệu trưởng, tôi đã phải đau đầu hơn 20 năm để giải quyết các vụ bạo lực học đường vì đó là chuyện của lứa tuổi. Trăn trở mãi, tôi mới tham khảo và tìm ra mô hình mỗi ngày phải dạy 1 tiết học “giá trị sống” cho học sinh và giáo viên, nhằm dạy đạo đức, lối sống cho các em từ nhỏ để các em biết cách sống thân thiện, không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Từ đó, xây dựng lớp học hạnh phúc. Đồng thời, giáo viên được cởi bỏ áp lực về thành tích, phải thay đổi bản thân, dạy học vì sự tiến bộ của học sinh, mỗi giáo viên là một nhà tâm lý để kịp thời giúp đỡ, chia sẻ cho học sinh có hoàn cảnh ngang trái, trở ngại về tâm lý. Chính sự thay đổi tích cực của giáo viên sẽ kéo theo học sinh thay đổi và cuối cùng là phụ huynh thay đổi để cùng chung tay giáo dục con em mình theo đúng các chuẩn mực đạo đức”.

Giải pháp giảm bạo lực học đường

Bàn giải pháp phòng, chống bạo lực học đường

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần phải xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng sống để học sinh tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, biết nhận diện bạo lực học đường và cách ứng xử, giải quyết khi bị xâm hại. Các trường học cần phổ biến Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, đây là đường dây nóng giúp tư vấn tâm lý, giải quyết vấn đề trước các vấn nạn xâm hại tình dục, mua bán trẻ em. Đại diện Bộ Công an cho rằng, cần phải kiên quyết xử lý các vụ bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau, mà còn giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh và giáo viên để mang tính răn đe.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thống nhất với các ý kiến cần phải xây dựng lại những giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử để vấn đề bạo lực học đường chỉ dừng lại ở “phòng”, chứ không cần phải “chống”. Bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền những chỉ thị, công văn, thông tư của ngành để tăng cường trách nhiệm, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Các cơ sở phải mạnh dạn xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực học đường phù hợp với đặc điểm của trường, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh học sinh, các ngành, địa phương trong quản lý, giáo dục con em. Đồng thời, phát huy các mô hình giáo dục ngoài giờ của đoàn, hội, đội để các em có môi trường vui chơi, sinh hoạt lành mạnh, có kỹ năng sống tốt đẹp trong đời sống thật và không gian mạng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, sử dụng bạo lực của giáo viên đối với học sinh…

Bài, ảnh: NGỌC GIANG