Giảm thiểu rủi ro của ngành hàng cá tra

28/04/2020 - 04:58

 - “Giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho ngành hàng cá tra là phải cắt giảm sản lượng và diện tích nuôi, đồng thời cần đưa ngành hàng này vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Việc những người không có nhà máy, vùng nuôi cũng xuất khẩu được đã dẫn đến tình trạng bán phá giá lẫn nhau, làm rối loạn thị trường” - ông Cao Lương Tri (ngư dân TP. Long Xuyên, An Giang) kiến nghị.

Cắt giảm sản lượng

Từ đầu năm đến nay, ngành hàng cá tra của tỉnh nói riêng, ĐBSCL nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Người nuôi liên tục thua lỗ, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cầm chừng. Hiện nay, đối với cá xuất hầm, người nuôi lỗ từ 4.000-5.000 đồng/kg. Các thị trường nhập khẩu cá tra, do tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên tất cả đều hạn chế nhập hàng. Năm nay, do tình trạng biến đổi khí hậu, con giống ương nuôi có tỷ lệ đậu rất thấp. “Từ đầu năm đến nay, ngành hàng cá tra phải gánh chịu “thiệt hại kép”.

Giá nguyên liệu (đầu vào) lẫn giá xuất khẩu (đầu ra) đều thấp. Nguyên liệu dư thừa, các nhà nhập khẩu vịn vào đó yêu cầu các DN phải giảm giá bán. Kế đó, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tất cả các thị trường hạn chế nhập hàng, thiệt hại là rất lớn” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.

Người nuôi cá tra cho cá ăn cầm chừng để chờ giá

Năm 2020, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi trên 5.400ha, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn, trong đó 4 địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ có diện tích, sản lượng nuôi nhiều nhất. Riêng An Giang có trên 1.200ha thả nuôi từ cá giống đến cá thương phẩm. Sản phẩm fillet cá tra đã xuất trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song với sản lượng hàng năm trên 1,5 triệu tấn nên tình trạng dư thừa nguyên liệu đã xảy ra.

“Mặt hàng cá tra cần phải cắt giảm diện tích và sản lượng nuôi mới có thể phát triển lâu dài. Cá tra cũng như dầu hỏa, phải chịu sự điều tiết của thị trường. Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc tiêu thụ xăng, dầu bị hạn chế, các nước xuất khẩu dầu hỏa phải đưa ra lộ trình cắt giảm sản lượng cung, tôi nghĩ ngành hàng cá tra cũng phải làm như thế để giảm thiểu rủi ro, nếu không thì DN lẫn người nuôi và ngân hàng đều phải chịu thiệt hại” - ông Cao Lương Tri kiến nghị.

Tạo môi trường bình đẳng

Ngành hàng cá tra hiện nay có 3 khâu quan trọng là nuôi, chế biến và xuất khẩu. Trong 3 khâu này, thị trường xuất khẩu vẫn là yếu tố quyết định. Ngành hàng cá tra phát triển trong hơn 20 năm qua nhưng tình trạng bán phá giá trên thị trường vẫn cứ tồn tại. Nguyên nhân của vấn đề trên, theo nhiều DN là do nhà nước chưa đưa ngành hàng cá tra vào loại hình kinh doanh có điều kiện nên có nhiều người không có nhà máy, vùng nuôi cũng nhảy vào mua bán. Bán không được giá cao thì quay ngang bán giá thấp để thu hồi vốn, từ đó làm cho thị trường rối loạn.

Đối với những DN làm ăn chân chính, tuân thủ quy định pháp luật (vùng nuôi, nhà máy chế biến đều có hệ thống xử lý nước thải thì giá thành sản phẩm phải cao, trong khi những DN chuyên làm thương mại, họ mua đầu chợ, bán cuối chợ (ít chi phí) thì bán giá thấp, từ đó các DN làm ăn chân chính, cạnh tranh không lại các DN làm ăn “chụp giật”, dẫn đến thị trường nhiễu loạn, xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh.

Bên cạnh việc cắt giảm sản lượng cho phù hợp với “độ mở” của thị trường, việc hết sức cần thiết để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Cụ thể, nhà nước cần đưa ngành hàng này vào loại hình kinh doanh có điều kiện như đã từng làm đối với ngành hàng lúa gạo, có như vậy mới hạn chế được số DN “tay không bắt giặc”, chực chờ nhảy vào làm nhiễu loạn thị trường. Cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với ngành hàng có thế mạnh như ngành hàng cá tra, qua đó xác lập lại trật tự để ngành hàng này phát triển mang tính ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực ĐBSCL.

“Năm nào cá tra rớt giá do nguyên liệu dư thừa, ai cũng nói cần phải cắt giảm sản lượng nuôi nhưng việc quan trọng ở đây là ai làm, ai kiểm soát việc cắt giảm này; các tỉnh nuôi cá nhiều như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long có chịu ngồi lại với nhau để đưa ra lộ trình cắt giảm hay không; vai trò điều hành, quản lý của nhà nước, của hiệp hội ngành hàng, ai làm gì, hành động ra sao trong giai đoạn này cần phải tính toán rõ ràng mới có thể làm được. Vấn đề ở đây là cần có sự chỉ đạo mang tính thống nhất từ Trung ương xuống các tỉnh thì mới có thể làm được” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang Lê Chí Bình khẳng định.

MINH HIỂN