Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

10/01/2024 - 07:48

 - Quyết định 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2025”. Quá trình thực hiện tại An Giang đã mang lại một số kết quả nổi bật.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em; là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội. Đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, chưa am hiểu về pháp luật.

Một bộ phận hộ gia đình vẫn còn tư tưởng muốn kết hôn sớm để có thêm nhân lực lao động. Trẻ kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cải thiện điều kiện sống về vật chất và tinh thần. Việc kết hôn, mang thai sớm làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện; ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi (dị tật, dị dạng, suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ tử vong).

Nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do ảnh hưởng bởi quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu, tục lệ, nghi lễ truyền thống của dân tộc qua nhiều thế hệ.

Đặc biệt, đồng bào DTTS Khmer còn bị ảnh hưởng bởi tập quán “không muốn chia sẻ của cải cho người khác ngoài dòng họ”; vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ phụ huynh có tư tưởng, suy nghĩ kết thông gia trong dòng tộc để giữ gìn mối quan hệ ngày càng khắng khít (thường là kết hôn cận huyết thống đời thứ 3).

Điều kiện kinh tế gia đình của đồng bào DTTS còn khó khăn, thiếu việc làm, một bộ phận thanh, thiếu niên phải đi lao động ngoài tỉnh, sống xa nhà. Phụ huynh quản lý, giáo dục và kiểm soát các hành vi không kịp thời, dẫn đến việc tảo hôn. Tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, văn hóa ngoại lai, lối sống thử… đã ảnh hưởng trực tiếp đến thanh, thiếu niên, vị thành niên, xảy ra trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Tuyên truyền văn hóa kết hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: G.K

Từ sự nỗ lực chung, 5 năm trở lại đây, tình trạng này trên địa bàn tỉnh giảm dần. Toàn tỉnh triển khai 2.138 cuộc tuyên truyền vùng DTTS, với 45.357 lượt người tham dự; cung cấp 33.239 tờ rơi; tư vấn cho 2.297 người về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tập huấn 71 lớp nâng cao năng lực cho 2.128 lượt cán bộ tham gia phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Toàn tỉnh bình quân có 39.000 cặp kết hôn/năm. Từ năm 2015 - 2020, chỉ ghi nhận 115 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS (chiếm 0,3%). Trong đó, tảo hôn là 107 cặp (nhiều nhất ở huyện Tri Tôn với 72 cặp, huyện An Phú 33 cặp); 8 cặp kết hôn cận huyết thống (huyện An Phú). Nhìn chung, việc triển khai thực hiện đề án mang lại chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành vi, tập quán; giảm số cặp, tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết trong đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, hạn chế về ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS cũng ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền, việc tiếp thu kiến thức pháp luật. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, một số hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại trong nhận thức của cộng đồng qua nhiều thế hệ, nên việc tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi gặp nhiều khó khăn. Công tác rà soát, báo cáo trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở địa phương còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS; nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép thực hiện các nội dung đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” với tiểu dự án, dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, ngành trong tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

K.N