Giáo dục thiếu nhi, học sinh từ những trải nghiệm thực tế

30/06/2020 - 05:15

 - Trải nghiệm thực tế là hoạt động được Huyện đoàn Chợ Mới (An Giang) và các trường THCS trên địa bàn huyện triển khai thực hiện thường xuyên. Hoạt động này không những giúp những giờ học trở nên sinh động hơn, mà còn giúp các em học sinh hiểu thêm về quê hương, đất nước; trang bị thêm những kiến thức thực tế, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt đội, nhóm…

Tìm về thiên nhiên           

Nhằm giúp các em học sinh, thiếu nhi trang bị thêm kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể; tìm hiểu về các khu du lịch trên địa bàn… hàng năm, Huyện đoàn Chợ Mới tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế cho các em học sinh, thiếu nhi trong địa bàn huyện.

Phó Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, hoạt động được tổ chức cho các em có độ tuổi từ 9-16 và có hoàn cảnh khó khăn. Địa điểm tổ chức tại 3 xã cù lao Giêng, gồm: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân.

Hành trình đưa các em học sinh, thiếu nhi đến với các di tích lịch sử, cách mạng, điểm du lịch của địa phương. Các em được tham quan, tìm hiểu các mô hình nông nghiệp, được trải nghiệm thực tế công việc làm vườn của nông dân như: cuốc đất, nhổ cỏ, tưới cây, bắt cá… Tại đây, các em được tham gia các trò chơi để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện tư duy sáng tạo.

Phó Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, các hoạt động tham quan, trải nghiệm nhằm tuyên truyền, giáo dục các em về lịch sử vẻ vang của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường; nâng cao ý thức sống đẹp - sống có ích. Từ đó, giúp các em nhận thức được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước.

Chương trình còn giúp các em hiểu thêm những khó khăn, vất vả cũng như đời sống hàng ngày của người dân ở cù lao Giêng. Giúp các em hiểu được tinh thần chia sẻ, biết giúp đỡ mọi người xung quanh; biết lao động và làm các công việc trong gia đình. Đồng thời, giúp các em trang bị những kỹ năng sống trong xã hội, kỹ năng sinh hoạt tập thể; nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan về cuộc sống.

Trải nghiệm làm thợ mộc

Tại Trường THCS Võ Ánh Đăng (xã Long Điền A, Chợ Mới), hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, thực hiện thường xuyên. Gần đây, nhà trường đã tổ chức hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm thợ mộc” cho gần 50 đội viên của trường tham gia.

Thầy Lê Phú Hữu, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Võ Ánh Đăng cho biết, tham gia buổi trải nghiệm, các em học sinh được giới thiệu về làng nghề truyền thống; được tiếp xúc với các nghệ nhân, với các công việc cụ thể và các sản phẩm đẹp mắt, có ý nghĩa thực tiễn. Ngoài ra, các em được giới thiệu về các quy trình sản xuất sản phẩm mộc của địa phương như: tủ, bàn, ghế. Cách chọn gỗ, xẻ gỗ, sấy gỗ, tiến hành gia công các sản phẩm, lắp ghép, hoàn thiện sản phẩm. Tự tay chà nhám các sản phẩm gỗ, thành phẩm các sản phẩm thủ công truyền thống ở địa bàn…

Qua hoạt động giúp các em có cái nhìn rõ hơn về công việc hàng ngày của những người thợ thủ công, từ đó góp phần bảo tồn, giữ gìn làng nghề truyền thống. Đặc biệt, sau những buổi tham quan, trải nghiệm, tình bạn, tình thầy trò trở nên gắn kết, việc học tập của các em cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Em Phạm Thành Tấn (học sinh lớp 7A3) chia sẻ: “Đây là hoạt động rất bổ ích, giúp em hiểu thêm về nghề làm mộc, các công đoạn để tạo ra 1 sản phẩm; hiểu thêm sự khó khăn, vất vả của người thợ mộc. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có thể giúp làng nghề ở quê mình ngày càng phát triển”.

Ngoài hoạt động được tổ chức bên ngoài, Trường THCS Võ Ánh Đăng còn tổ chức các buổi trải nghiệm sáng tạo ngay tại trường như: làm diều giấy, làm thiệp chúc xuân… Hoạt động không những tạo sân chơi lành mạnh, vui vẻ cho các em sau những ngày học tập mà còn giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho các em học sinh.

Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh có cơ hội được tiếp cận với môi trường sống và xã hội bên ngoài. Qua đó, các em được bồi đắp tình yêu thiên nhiên, đất nước, học hỏi về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tạo động lực để tích cực, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập.      

ĐỨC TOÀN