Giáo dục truyền thống yêu nước qua những “địa chỉ đỏ”

26/03/2020 - 05:26

 - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tri Tôn là một trong những chiến trường ác liệt nhất của An Giang cũng như miền Tây Nam Bộ. Giờ đây, những “địa chỉ đỏ” gắn với chiến tích hào hùng năm xưa đã và đang được nâng cấp, tôn tạo, trở thành địa chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, phát huy niềm tự hào cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tái hiện những trang sử hào hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ, Ô Tà Sóc cùng với đồi Tức Dụp là 2 địa điểm ở Tri Tôn được Tỉnh ủy chọn đặt căn cứ, chiến đấu kiên cường với địch. Đặc thù của 2 nơi này là có địa hình phức tạp, hệ thống “lò ảng” (hang động) ăn thông với nhau chắc chắn, vừa giúp tránh bom đạn của kẻ thù, vừa là nơi xây dựng, củng cố lực lượng, tổ chức phản công khiến quân Mỹ dù có vũ khí hiện đại vẫn thất bại đau đớn.

Những nghệ sĩ từng tham gia vở diễn Chiếc áo nàng Sa Rết (lấy hình tượng nữ anh hùng Néang Nghés) đến viếng mộ chị Néang Nghés

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồi Tức Dụp (xã An Tức) với địa thế đẹp, đã được nâng cấp thành khu du lịch. Những hình ảnh, chiến tích về căn cứ xưa cũng được phục dựng, tôn tạo để phục vụ khách tham quan. Trong khi đó, căn cứ Ô Tà Sóc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT, ngày 28-12-2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin), được đầu tư lối vào, xây dựng phù điêu vinh danh các anh hùng liệt sĩ.

Để địa điểm này tương xứng với chiến công hào hùng năm xưa, tháng 7-2019, UBND huyện Tri Tôn đã hoàn thành công trình cải tạo, trùng tu lại căn cứ Ô Tà Sóc, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, công trình cải tạo gồm các hạng mục như: quảng trường sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày, hội trường, cải tạo sơn mới phù điêu, xây dựng đường nội bộ,… nhằm tạo thuận lợi cho mọi người đến tham quan, nghỉ ngơi, sinh hoạt.

“Huyện mong muốn xây dựng nơi đây trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ, tạo ấn tượng đẹp đối với người dân, du khách về công trình lịch sử cách mạng cũng như tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên quê hương An Giang” - ông Liêm nhấn mạnh.

Đến cuối tháng 12-2019, cũng tại khu căn cứ lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn I và UBND huyện Tri Tôn đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Đài vinh danh Sư đoàn I.

Nhiều cựu chiến binh Sư đoàn I anh hùng từ Cần Thơ, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, xa hơn là Ninh Bình, Hà Nội... đã tề tựu về đây để hồi ức về những năm tháng kháng chiến gian khổ, hy sinh, kể cho thế hệ hôm nay nghe về truyền thống của Sư đoàn đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khơi dậy niềm tự hào cô gái Khmer

Sáng 3-3-2020 (nhằm 10-2 âm lịch), lễ tưởng niệm lần thứ 58 ngày hy sinh của nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Néang Nghés diễn ra trong không khí đặc biệt.

Tại ấp Phước Bình (xã Ô Lâm, Tri Tôn), nơi yên nghỉ của người phụ nữ dân tộc thiểu số Khmer đầu tiên và duy nhất của tỉnh An Giang được phong tặng danh diệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các ngả đường dẫn vào thông thoáng, sạch đẹp hơn.

Khuôn viên lễ tưởng niệm rộng 2.700m2 , được lát đá sạch đẹp, nhiều cây xanh bao quanh. Đó là tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tri Tôn khi đã đầu tư ngân sách, vận động xã hội hóa trên 5 tỷ đồng mở rộng khuôn viên ngôi mộ chị Néang Nghés, đầu tư một số hạng mục công trình, mở rộng các tuyến đường kết nối vào.

“Chúng tôi muốn xây dựng nơi đây thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ và người dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung về truyền thống cách mạng hào hùng vùng Bảy Núi - An Giang, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc Kinh - Khmer” - ông Cao Quang Liêm khẳng định.

Công lao to lớn của nữ anh hùng Néang Nghés xứng đáng được thế hệ hôm nay tri ân. Sinh ngày 1-1-1942 tại xã Ô Lâm (Tri Tôn) trong một gia đình Khmer nghèo khó, cha mẹ mất sớm, chị Néang Nghés và người anh phải ở với ông bà nội trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Ngay từ nhỏ, chị đã có tinh thần chiến đấu chống lại ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn tay sai. Năm 1960, khi mới 18 tuổi, chị đã trực tiếp tham gia làm công tác giao liên, tiếp tế gạo, thuốc men cho vùng du kích.

Sau đó, chị tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng xã Ô Lâm, vừa làm công tác tư tưởng, vận động đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, vừa làm nhiệm vụ giao liên, tiếp tế, thông báo tin tức cho tổ chức.

Chị đã đấu tranh trực diện với tên quận trưởng người Khmer khi hắn đòi đàn áp biểu tình, đốt nhà, gom dân vào “ấp chiến lược”, khiến hắn phải lúng túng, buộc lòng hứa hẹn cho qua. Uy tín ngày càng tăng cũng khiến chị Néang Nghés trở thành cái gai trong mắt địch.

Sau khi bị bắt, bị giam giữ bằng lồng kẽm có gai, bị tra tấn bằng đủ hình thức man rợ nhưng chị vẫn không khai báo cơ sở cách mạng, rạng sáng 15-3-1962, chị bị địch mang ra cánh đồng phum Chông Khsách xử bắn trước mặt đồng bào Khmer.

Ít lâu sau, Huyện ủy Tri Tôn tổ chức lễ truy điệu đồng chí Néang Nghés trọng thể, tuyên bố công nhận chị là đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời phát động phong trào noi gương kiên trung của chị, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng…

NGÔ CHUẨN