Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Ngày 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về tiến độ khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2). Đại diện 12 tỉnh, thành phố có dự án đi qua dự họp theo hình thức trực tuyến.
Không để thiếu tiền cho giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo, hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11/2022 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết các mốc tiến độ cụ thể. Đó là phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần (để gửi Kiểm toán Nhà nước): hoàn thành trước ngày 31/10/2022. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu hoàn thành trước ngày 20/11/2022. Lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát hoàn thành trước ngày 16/12/2022. Ký hợp đồng xây lắp hoàn thành trước ngày 20/12/2022. Chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên: Từ ngày 21/12/2022 đến này 24/12/2022.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay các địa phương đã giải ngân được 408,58 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh dẫn đầu với hơn 220 tỷ đồng được giải ngân, tiếp đến là Quảng Bình 15,6 tỷ đồng, Bình Định 118,7 tỷ đồng, Cà Mau 54 tỷ đồng.
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích thu hồi khoảng 6.303 ha, đạt 99,5%. Trên cơ sở đo đạc tại thực địa, các địa phương đã thực hiện kiểm đếm được 5.854ha, đạt 93%.
Theo kết quả kiểm đếm đến ngày 10/10/2022, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 40.100 hộ và phải tái định cư 6.637 hộ. Có 3/12 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau) đã có sẵn khu tái định cư để sử dụng cho Dự án. 9/12 tỉnh cần xây dựng 166 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 481ha.
Theo các ý kiến, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm kê tài sản trên đất ở một số địa phương tại một số dự án và công tác lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Việc triển khai các thủ tục, các công việc để xây dựng khu tái định cư thường kéo dài, nếu không đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Tại cuộc họp, các địa phương khẳng định cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong tháng 11 để có thể khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Nhiều địa phương đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ, phối hợp liên quan bồi thường tái định cư cho công trình quốc phòng; di dời đối với các công trình điện cao thế; chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; về thẩm định mỏ vật liệu và bãi đổ thải.
Về vốn cho giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã giao kế hoạch vốn hơn 7.170 cho các địa phương. “Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu các Ban quản lý dự án cùng các địa phương nắm chắc tình hình. Chúng tôi đã tính toán đến vấn đề điều chỉnh và bổ sung vốn kịp thời cho các địa phương. Dứt khoát không để vì thiếu tiền mà không giải phóng mặt bằng được.”
Ông Lê Đình Thọ cũng lưu ý việc chuẩn bị mỏ vật liệu và bãi đổ thải cần được tiến hành song song, bởi “nếu giải phóng mặt bằng xong nhưng không có mỏ vật liệu, bãi đổ thải thì cũng không thi công được.”
Phải bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công vào tháng 12
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, phải hoàn thành vào năm 2025. Khối lượng công việc rất lớn khi thời gian còn lại không nhiều, khoảng 3 năm. Nếu chậm 1 nhịp thì công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông vận tải đã triển khai được nhiều việc. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần (vào ngày 13/7/2022), phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để phục vụ khởi công...
Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích thu hồi hơn 6.300 ha. Có 5 tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bồi thường, đã chuyển tiền bồi thường cho người dân.
Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết 18 của Chính phủ đưa ra thì vẫn còn chậm. Còn 7 tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường. Đến nay, các địa phương mới giải ngân được hơn 408 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm trong triển khai giai đoạn 1 của dự án cao tốc Bắc-Nam, nhất là khâu chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian (3 năm), Phó Thủ tướng nêu rõ, toàn bộ giai đoạn 2 của dự án, với chiều dài 721km, phải hoàn thành trong vòng 4 năm. Do đó, trong thời gian tới, phải quyết liệt đổi mới, từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ Giao thông vận tải tới các địa phương mới đảm bảo thực hiện được các mục tiêu tiến độ, chất lượng của dự án. Vừa bảo đảm tiến độ vừa giữ vững chất lượng, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương trước Chính phủ là giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ mà Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022. Các địa phương chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng thì cần phê duyệt xong trong tháng này.
Các Ban quản lý dự án cần đề cao trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, trước Chính phủ trong công tác này. Từ nay, tới thời điểm khởi công mà các dự án chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ thì sẽ xem xét trách nhiệm của ban quản lý dự án. Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp giao ban hàng tuần với các địa phương để kiểm điểm tiến độ triển khai.
Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu khởi công; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2022. Phó Thủ tướng lưu ý lựa chọn nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án. Việc chọn nhà thầu phải minh bạch.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch khởi công dự án trong tháng 12/2022. “Khởi công xong là phải triển khai thi công ngay,” Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị mỏ vật liệu xây dựng cho dự án, tránh việc mua đi bán lại qua các khâu trung gian khiến giá bị đội lên./.
Theo XUÂN TÙNG (TTXVN/Vietnam+)