Giáo viên mầm non tư thục chật vật trong dịch bệnh Covid-19

26/03/2020 - 05:19

 - Hơn 2 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trường học phải tạm nghỉ để đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Ở các trường mầm non tư thục, mọi nguồn thu đều phụ thuộc vào học phí của học sinh nên khi ngừng hoạt động, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn. Bị giảm hoặc mất thu nhập, giáo viên, bảo mẫu phải xoay sở bằng nhiều việc làm tạm thời để kiếm sống.

Toàn tỉnh có 19 trường mầm non, nhà trẻ tư thục. Trong đó, các trường mầm non tư thục có tổ chức công đoàn như: Song ngữ Tinh Hoa, Bình Minh, Trường Phổ thông Quốc tế Gis thì nhà trường trả tạm thời mức lương 4,1 triệu đồng/người/tháng. Còn lại, nhiều cơ sở hiện không có khả năng kinh tế, đành cho giáo viên nghỉ không lương.

Ghi nhận tại Trường mầm non Cát Tường (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang), nay chỉ có tiền bồi dưỡng theo ca trực cho giáo viên là 50.000 đồng/ca (ngày 3 ca), thu nhập hàng tháng của các cô dưới 1 triệu đồng/người. Trường mầm non Đàn Tôi (thị trấn An Phú, An Phú, An Giang) ngày thường nhận chăm sóc 146 trẻ, chi phí 850.000 đồng/trẻ/tháng (giữ và ăn uống), hiện không có khả năng trả lương cho giáo viên.

Anh Phạm Duy Phương (làm công tác văn phòng kiêm chủ tịch công đoàn) cho biết, thu nhập của nhân viên tại trường bình quân 5 triệu đồng/tháng. Từ khi nghỉ dạy đến nay, các cô đa số ở nhà, bởi tìm việc làm trong lúc này không hề đơn giản, riêng chủ đầu tư và người liên quan văn phòng vẫn đến trường làm việc khi cần thiết và dọn dẹp vệ sinh.

Theo anh Duy, ai cũng lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhất là tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, nhờ những thông tin quan trọng hàng ngày được truyền thanh địa phương, công đoàn thông tin nên mọi người cũng an tâm, chỉ mong tình hình sớm ổn định để giáo viên có việc làm và thu nhập.

 Các cô vẫn chăm chút cho lớp học, mong sớm hoạt động trở lại

Tại thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân), hàng tuần các cô của cơ sở tư thục mẫu giáo Hoa Hồng vẫn đến dọn vệ sinh, làm thêm đồ chơi, mong dịch bệnh sớm đi qua để hoạt động trở lại. Thay cho việc chăm sóc trẻ hàng ngày, hiện nay một số cô đi lặt cuống ớt thuê, phục vụ quán để có thu nhập tạm thời.

Tuy nhiên, công việc cũng thất thường trong hoàn cảnh chung mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng, hàng quán ế ẩm, dịch vụ giảm bớt nhân sự, một số chị càng nặng nỗi lo vì còn nuôi con nhỏ, không thể dựa mãi vào gia đình.

Chị Võ Kim Phụng, chủ cơ sở cho biết, nơi này đã hoạt động ổn định được 6 năm với 4 giáo viên, lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng kèm các mức thưởng, quà tặng, bảo hiểm. Trong tháng 2, chị hỗ trợ 50% lương cho các cô giáo, qua tháng 3 thì hết khả năng chi trả, cơ sở vẫn phải chịu tiền điện, nước, rác sinh hoạt… khi không có nguồn thu.

Cô Lê Thị Khả Tú, giáo viên của cơ sở tâm sự: “Ra trường, em đến làm việc ở đây chưa tròn năm. Những ngày nghỉ nhớ các bé, nhớ việc đón từng em mỗi ngày, chăm từng miếng ăn, dỗ ngủ… Buồn hơn là lúc này không có thu nhập, không tìm được việc làm”.

Cùng thị trấn Phú Mỹ, lớp mẫu giáo Trẻ Thơ của chị Nguyễn Thị Bích Vân trong những ngày qua vắng lặng tiếng trẻ thơ sau cánh cổng. Chị Vân cho biết, sau 2 tuần học sinh nghỉ học, gia đình huy động hết nhân sự làm bánh tai yến, bánh kẹp, bánh bò nướng, kẹo mè. Mỗi ngày 5 người xoay vần trong điệp khúc 5 giờ 30 phút sáng làm bánh, đội ra chợ và dạo trong khu dân cư, buổi chiều bán tại nhà, kiếm được khoảng 200.000 đồng, tối đến lo chuẩn bị nguyên liệu mới. “Buồn quá, nhớ học trò, ra chợ gặp phụ huynh hỏi thăm mà chạnh lòng, trông cho ngày học sớm trở lại. Lớp học tư nên đâu có thu nhập gì khác ngoài nguồn thu giữ trẻ” - chị Vân thở dài.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, giáo viên của lớp học cho hay, hàng tuần luôn cập nhật thông tin cho Phòng Giáo dục và Đào tạo về vệ sinh lớp, tình hình phụ huynh là công nhân đi làm xa… và cũng ngóng những thông báo mới từ phòng. Khó khăn trong lúc này không của riêng ai nên mọi người cũng đồng cảm, nỗ lực tìm cách vượt qua.

Ngoài một số đơn vị tạm thời chi trả lương cho giáo viên theo mức khoán, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến thăm và hỗ trợ khó khăn cho 31 giáo viên của Trường mầm non tư thục Cát Tường và Đàn Tôi, mỗi trường hợp được nhận 800.000 đồng tiền mặt. Với những trường còn lại, dù không được hỗ trợ về thu nhập, các cơ sở mong ngành chức năng có sự chia sẻ về việc đóng tiền điện, nước, thuê mặt bằng, thuế, bảo hiểm… trong điều kiện không có nguồn thu như hiện nay.

MỸ HẠNH