Tham dự lễ cưới của đồng bào DTTS Khmer ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chúng tôi được dịp “mục sở thị” những tập tục truyền thống rất đẹp của đồng bào. Với tính cộng đồng đặc trưng, chuyện nhỏ hay chuyện lớn đều là niềm vui chung của cả phum, sóc. Không khí đám cưới diễn ra rộn ràng, tất bật từ trong nhà ra ngoài ngõ và ai cũng có phần việc của mình. Giảm bớt những hủ tục so trước đây, đám cưới diễn ra trong 2 ngày với các phần quan trọng: Mời sư đến tụng kinh, cột chỉ, dâng cơm, trao vàng bạc cho cô dâu, đón chú rể về nhà gái, cắt tóc. Trong bữa tiệc đãi khách, hòa cùng giai điệu nhạc truyền thống, ai cũng hào hứng tham gia múa điệu lâm thôn.
Lễ cưới đậm nét truyền thống và mang tính cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Từ trang phục của bà con cho đến các phần lễ trong đám cưới đều diễn ra trang trọng, rực rỡ sắc màu. Ấn tượng nhất có lẽ là tinh thần tình làng nghĩa xóm của họ thể hiện rõ nét trong một lễ cưới. Các vị cao niên nắm rõ tập tục truyền thống sẽ giúp chuẩn bị lễ vật, người có uy tín và địa vị trong cộng đồng làm chủ lễ, thanh niên tham gia chuẩn bị món ăn sau hè, nhóm khác sửa soạn không gian đón khách, trẻ em tụm năm tụm bảy xem người lớn và ngắm cô dâu…
Ở một góc sân, dàn nhạc lễ đặc trưng xướng âm thanh vui tai theo từng phần lễ diễn ra trong nhà. Ngoài anh thợ chụp ảnh kỷ niệm cho ngày cưới, còn lại hầu như không có yếu tố nào của thời đại chen lấn trong bức tranh sống động và đậm nét văn hóa ấy.
Vào những dịp, như: Lễ dâng y, Tết Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ… có thể thấy những khung cảnh rộn ràng tương tự. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những giá trị quý báu trong đời sống của đồng bào DTTS được phát huy mạnh mẽ. Tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh được phân bổ kinh phí cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là 8,17 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 7,42 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách địa phương.
Nhạc lễ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Thời gian qua, ngoài các lễ hội truyền thống được tổ chức trong cộng đồng, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS Khmer. Nhiều nghệ nhân, nhà sư được tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn lực để truyền dạy đàn ngũ âm, dạy chữ viết, đàn Chà Pay, dệt thổ cẩm, làm gốm, múa Dì Kê… cho thế hệ trẻ.
Ở xã Ô Lâm, những buổi tối mát mẻ, trẻ em không bám vào smartphone mà rủ nhau đến chùa học múa và nhạc ngũ âm. Địa phương này còn được đánh giá có nhiều tiềm lực văn hóa dân gian, với di sản văn hóa Dì Kê, đàn Chà Pây, bánh truyền thống kà-tum, cốm dẹp, làng nghề nấu đường thốt nốt…
Nghệ nhân Neáng Phương bày tỏ tự hào vì chiếc bánh kà tum được bà giữ nghề và dạy cho phụ nữ trong sóc trở thành đặc sản nức tiếng xa gần. Giờ đây, không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ quan trọng, chiếc bánh kà-tum xinh xắn còn được làm hàng ngày, số lượng lớn để bán tại điểm du lịch và các lễ hội văn hóa - thể thao do huyện Tri Tôn tổ chức.
Năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang dự kiến mở lớp dạy khắc kinh lá buông - Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS Khmer cho thanh niên huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Soài So Tôm Nóp (xã Núi Tô), cũng là nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật khắc chữ Pali, Khmer trên kinh lá buông cho biết, kinh lá buông có vai trò đặc biệt với văn hóa đồng bào DTTS Khmer Nam Bộ.
Theo thời gian, cùng sự phát triển khoa học - kỹ thuật, kỹ thuật chế tác kinh lá buông hầu như bị lãng quên. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này đã được ngành chức năng quan tâm và bà con rất phấn khởi. An Giang là một trong những địa phương lưu trữ kinh lá buông nhiều nhất, với khoảng 108 bộ kinh lá buông được lưu giữ trong các chùa, hơn 736 quyển kinh.
Sự trăn trở của thế hệ cao niên nặng lòng với loại hình nghệ thuật nói riêng và các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào DTTS Khmer giờ đây đã được giải tỏa phần nào, khi giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh có kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê hàng năm nhằm lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS trên địa bàn.
Đặc biệt, sưu tầm, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số lĩnh vực này, góp phần lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy. Trong đó, phấn đấu 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị...
Ngoài ra, sẽ hình thành 1 - 2 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian vùng DTTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền thể loại văn học dân gian.
MỸ HẠNH