Giữ “ngôi vương” cho thủy sản

11/08/2022 - 09:52

 - “Trong 250.000ha canh tác nông nghiệp ở An Giang, chỉ có 2.500ha nuôi trồng thủy sản các loại (chiếm 1%). Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu của ngành nghề này gấp đôi so với phần còn lại trồng trọt; giải quyết việc làm cho 12.000 lao động trực tiếp, từ 92.000-100.000 lao động gián tiếp. Trước đây, tỉnh chú trọng cây lúa, cây ăn quả rồi mới đến thủy sản. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, thủy sản được lên hàng đầu, rồi mới đến cây ăn trái và lúa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại các nhà máy, vùng nuôi thủy sản ở An Giang. Ảnh: HẠNH CHÂU

Ấn tượng An Giang

Theo UBND tỉnh, dù có thời điểm giá cá tra tăng rất cao, An Giang vẫn tuân thủ diện tích nuôi trồng thủy sản đã quy hoạch (1.430ha cá tra, 700ha thủy sản khác, 1.000ha sản xuất giống các loại). Nếu sau này được phép điều chỉnh quy hoạch (do thị trường đã rộng mở ra, hoặc An Giang “bù đắp” số lượng cho các vùng bị nhiễm mặn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL), tỉnh có thể đáp ứng thêm 500-1.000ha, mời các doanh nghiệp (DN) đầu tư thành vùng chuyên canh.

Đã có thời điểm, người dân lấy cá thương phẩm, lựa con nào “đẹp đẹp” làm cá bố mẹ, cho sinh sản, dẫn đến đồng huyết, chất lượng giống suy giảm. Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL ra đời năm 2018, tạo con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, An Giang tự hào khẳng định: Nhu cầu cả nước khoảng 4 tỷ con, tỉnh đủ năng lực cung cấp từ 2-3 tỷ con giống.

An Giang thành công trong việc thu hút DN đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như, Công ty TNHH Lộc Kim Chi giải phóng mặt bằng 86ha, tương đương diện tích mặt nước nuôi 51,7ha, sản lượng 50.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc thực hiện 130ha, cung cấp ra thị trường 100 triệu con giống/năm. Công ty Cổ phần Nam Việt - Bình Phú nuôi gần 500ha, năng lực 100 triệu giống và 200.000 tấn thương phẩm/năm… Đồng thời, tỉnh hình thành mô hình liên kết hiệu quả giữa công ty chế biến thủy sản và người dân, nhằm chia sẻ rủi ro, đôi bên cùng có lợi, với 9 chuỗi liên kết và 63 hộ nuôi (liên kết tiêu thụ sản phẩm, nuôi gia công, liên kết cung cấp thức ăn, liên kết thương mại).

Nhân chuyến giám sát tại An Giang về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (cuối tháng 7/2022), đến thăm nhà máy chế biến thủy sản Công ty Cổ phần Nam Việt, khảo sát thực tế vùng nuôi thủy sản thương phẩm Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt - Bình Phú, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, “đoàn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Không hổ danh An Giang là một trong 8 tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất cả nước, đứng thứ 12 về chế biến xuất khẩu!

Tầm nhìn cho tương lai

Bên cạnh thành công, hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước, dễ phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, kế hoạch 2021-2030 của tỉnh là hướng đến sản xuất theo chiều sâu, gia tăng giá trị theo chuỗi, chuyển đổi số, tăng quy mô nông hộ, mở rộng vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất. Đồng thời, đầu tư xây dựng vùng sản xuất ương giống, nuôi thương phẩm tập trung, đầu tư hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng, điện, giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản với quy mô công nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất; vùng nuôi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, truy xuất được nguồn gốc và bảo vệ tốt môi trường.

Để làm được những điều ấy, An Giang kiến nghị Trung ương nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa và xuất khẩu; sớm bình ổn giá cả nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản để tạo điều kiện phát triển sản xuất ngành hàng thủy sản, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL. Tăng cường xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chỉ tiêu mức giới hạn đối với sản phẩm nông lâm thủy sản, giúp các bộ, ngành, địa phương có căn cứ đánh giá sản phẩm đảm bảo an toàn. Sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường của ngành tài nguyên và môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhất là quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải nuôi trồng thủy sản…

“Khi quy hoạch vùng nuôi cá tra, đã lấy ý kiến bộ, ngành rồi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng khi tỉnh mời DN lập dự án, phải gửi hồ sơ ra để xin chuyển mục đích đất trồng lúa. Chúng tôi cho rằng, cần đồng bộ về quy hoạch giữa các bộ, ngành mới phù hợp thực tế. Mặt khác, dù kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, DN không sử dụng, nhưng lâu lâu lại phát hiện ra chất cấm trong sản phẩm cá xuất khẩu. Có thể, người dân lén sử dụng cho đối tượng cá khác, ảnh hưởng đến nguồn nước chung và cá tra nói riêng. Ngoài việc tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có, đề xuất Trung ương kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các loại chất cấm trong chăn nuôi này” - ông Trần Anh Thư chia sẻ.

Ghi nhận tất cả kiến nghị, đề xuất của An Giang, thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy gợi mở thêm: “Nếu quy hoạch của tỉnh chưa được phê duyệt, ngay từ lúc này, những gì thuộc về bất cập trong quy hoạch sản xuất và chế biến thủy sản, tỉnh có thể điều chỉnh, lồng ghép tích hợp vào quy hoạch. Là địa phương đầu nguồn của ĐBSCL, An Giang cần tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác bảo vệ môi trường hơn nữa, nhất là môi trường nước mặt tại vùng nuôi thủy sản. Cùng với đó là liên kết, cân đối cung - cầu để ngành phát triển bền vững; tập huấn nâng cao năng lực cho DN; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đầu tư khoa học - công nghệ trong chế biến, xử lý môi trường… để mở rộng thị trường, tự giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả tối đa”.

VẠN LỘC