Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

30/07/2022 - 19:13

Chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thảo luận vấn đề giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn, gửi tới các đại biểu lời chào, thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất; nêu rõ, hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt trên toàn cầu, nhưng nhờ sự đoàn kết, sự nỗ lực của quốc gia, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh mặc dù tình hình vẫn còn phức tạp trên thế giới. Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến Việt Nam vì kinh tế Việt Nam có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã huy động nguồn lực trong nước, nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn trong điều kiện thế giới khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát trên thế giới tăng, giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; chính sách các nước thay đổi tác động trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng cho biết, lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%; dự báo tăng trưởng quý III cao hơn quý II; các cân đối lớn được bảo đảm như thu ngân sách, lương thực, thực phẩm, năng lượng, thị trường lao động…

"Vừa qua, chúng ta thực hiện phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong đó có việc tập trung vào cải thiện năng lực ngành y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, hỗ trợ người dân bị tác động bởi Covid-19; tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng…", Thủ tướng cho biết thêm.

Với sự nỗ lực chung, chúng ta nhận thấy kinh tế phục hồi, tập trung vào những vấn đề lớn như liên quan hạ tầng, 3 đột phá chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực, thể chế. Các ngành được tập trung cho phát triển xanh, bền vững, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, được các tổ chức quốc tế đánh giá khách quan. Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại được giữ vững, uy tín của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế.

Chúng ta cũng tập trung các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài; tiếp tục xử lý các nhiệm vụ tồn đọng liên quan xử lý các ngân hàng yếu kém với kết quả ban đầu tích cực; xử lý các dự án ngành công thương yếu kém, tồn đọng.

Thủ tướng nhắc lại việc xử lý một số dự án như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu; cụm Trung tâm Điện lực Ô Môn, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1…, hay vấn đề liên quan một số sân bay bị ách tắc.

Thủ tướng nhấn mạnh cần các biện pháp linh hoạt để tiếp tục ứng phó với dịch bệnh cũng như với các vấn đề như xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược, lạm phát; tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị...

Thủ tướng lưu ý khó khăn, thách thức nhiều hơn tự lực, tự cường, nên không được chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp tình hình, các chính sách này hỗ trợ lẫn nhau, không triệt tiêu nhau. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, bảo đảm hiệu quả, tập trung vấn đề lớn có tính chất lan tỏa cao. Tiếp tục củng cố các thị trường về vốn, bất động sản, chứng khoán bảo đảm phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Để việc điều hành tiếp tục suôn sẻ, hiệu quả, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một chuyên đề kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình sát thực tế, khách quan, trung thực, đúng diễn biến trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, chúng ta cần đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bám sát tình hình, đúng, hiệu quả, tạo hiệu ứng lớn.

Chính phủ luôn luôn chú ý lắng nghe, cầu thị, nhất là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Mong các đại biểu góp ý thẳng thắn để Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, hiệu quả, bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Theo THANH GIANG - TRẦN HẢI (VTC News)