GS Võ Tòng Xuân - người Việt đầu tiên giành giải thưởng VinFuture

21/12/2023 - 09:09

GS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, 'cha đẻ' nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long vừa được VinFuture 2023 vinh danh.

Giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển năm nay được trao cho công trình phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu của GS Gurdev Sinh Khush và GS Võ Tòng Xuân. GS Xuân cũng là người Việt đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng VinFuture sau 3 mùa tổ chức.

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

GS Gurdev Sinh Khush (trái) và GS Võ Tòng Xuân nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Nói đến gạo ngon, chúng ta nghĩ ngay đến gạo ST25 - giống đạt giải Nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila (Philippin), được nhiều người biết đến nhờ các đặc điểm nổi bật như có mùi thơm, hạt dài, trắng...

Mặc dù "cha đẻ" của gạo ST25 là kỹ sư Hồ Quang Cua, nhưng trên thực tế, người đứng sau và đóng vai trò dẫn dắt, nâng tầm cho ông Cua không ai khác, chính là GS.TS Võ Tòng Xuân.

Bản thân GS Xuân cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống lúa IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long, và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

Cho tới tận hôm nay, người cha già 83 tuổi của nhiều giống lúa gạo ngon ở Việt Nam vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, và đưa ra các sáng kiến để cải thiện sinh kế của người nông dân, cũng như nâng tầm cao sản đến từ dải đất hình chữ S.

Ông Tòng Xuân cho biết, hành trình tìm ra những giống lúa xuất phát từ thời còn học trung học, với mong muốn làm sao phải thay đổi đời sống của người nông dân Việt Nam.

"Thời ấy, cứ mỗi lần vào vụ mùa, tôi lại thấy dì dượng của mình làm việc vô cùng vất vả, và cuộc sống của người nông dân Việt Nam nhìn chung rất cực khổ.Từ đó, tôi muốn làm thế nào để học thật tốt, rồi tham gia cải thiện cuộc sống của người nông dân để dân ta bớt khổ", ông Xuân nói.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippin, GS Xuân được Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nhận vào làm. Trong thời gian này, GS Xuân đã đi tiên phong trong việc phổ biến mô hình khuyến nông trực tiếp trên đất nước Philippin.

Năm 1971, GS Xuân quyết định về nước với mong muốn mang kiến thức nông nghiệp phổ cập tới người dân, từ đó góp phần giúp nông dân trồng lúa hiệu quả hơn, đời sống người nông dân được cải thiện.

Dẫu vậy phải tới năm 1976, bước ngoặt trong hành trình của GS Xuân mới diễn ra. Khi ấy, nông dân đồng bằng sông Cửu Long ai nấy đều gặp khó khi hầu hết các giống lúa cao sản đương thời như TN73-2, IR26... bị hư hỏng hàng loạt bởi rầy nâu Biotyp-2. Nhiều nơi, nông dân thậm chí phải bán cả đồ đạc, dụng cụ trong nhà để "cứu lúa".

Trước tình thế nguy cấp, GS Xuân tìm cách liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. Ông được TS Gurdev Khush (Viện IRRI) gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. GS Xuân nghĩ rằng để cứu nông dân, cách duy nhất là phải tìm ra cách nhân giống nhanh nhất có thể.

Vì lúa giống chỉ có một số lượng nhỏ, nằm gọn trong bao thư, nên GS.TS Võ Tòng Xuân đã ngay lập tức bắt tay vào thử nghiệm các phương pháp cấy lúa để làm sao có hiệu quả tốt nhất.

Sau một thời gian ngắn, phương pháp cấy 1 tép/bụi do chính GS Xuân mày mò, ra đời. Phương pháp này bao gồm việc phát triển cây lúa được 3 nhánh, thì tách ra, rồi cấy 1 tép/bụi.

Giáo sư Võ Tòng Xuân tại lễ trao giải.

Ông cũng thuyết phục lãnh đạo trường Đại học Cần Thơ gấp rút đóng cửa toàn trường để đưa sinh viên ra ngoài, chung tay giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đánh "giặc" rầy nâu.

Trong thời gian này, ông và các đồng nghiệp huấn luyện cấp tốc cho hơn 2.000 sinh viên 3 phương pháp cơ bản, gồm: Sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi.

Mặc dù cách này trái với tập quán lâu đời của bà con nông dân, nhưng sau khi biết người đứng sau là GS. TS. Võ Tòng Xuân, bà con đã tin tưởng và làm theo. Nhờ vậy mà chỉ trong 3 tháng, từ 5g hạt giống ban đầu, đã thu về hơn 2 tấn giống.

Sau đó, GS. Xuân tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân, đưa giống lúa IR36 phủ kín khắp các vùng lúa cao sản. Lần đầu tiên, người nông dân thoát khó khi đánh bại "giặc" rày nâu, thậm chí còn trúng mùa. Nhờ các sáng kiến tiếp theo trong cấy tạo lúa giống, GS Xuân thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Sang đến năm 1980, giống lúa IR36 đã tạo ra đột phá, được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á. Điều này chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

Theo VTC