Hạn chế chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp

21/09/2022 - 07:06

 - Chính phủ thông qua Nghị quyết 115/NQ-CP, ngày 5/9/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300.000ha đất trồng lúa (nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết).

Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Hoàn thiện các quy định để quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đảm bảo yêu cầu minh bạch và không để thất thu thuế nhà nước. Xây dựng tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác.

Bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, trong năm 2022, Chính phủ phân công một số nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết 39/2021/QH15 của Quốc hội. Đơn cử như: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành các tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lập quy hoạch vùng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030... Nghị quyết 115/NQ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Riêng tại An Giang, UBND tỉnh ban hành Quyết định 25/2022/QĐ-UBND, ngày 1/7/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2022) quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quy định cụ thể mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với: Hành vi sử dụng đất trồng lúa; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất; đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Mức độ khôi phục phụ thuộc theo từng trường hợp vi phạm cụ thể dẫn đến làm thay đổi mục đích sử dụng đất, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định; làm thay đổi hiện trạng sử dụng, gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, xem xét quyết định việc áp dụng một hoặc một số biện pháp để khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được ghi trong quyết định xử phạt theo quy định pháp luật đất đai. Cụ thể: Buộc tháo dỡ, di dời, chuyển các vật chất mà pháp luật quy định không được phép tồn tại ra ngoài phạm vi diện tích đất bị vi phạm; buộc san lấp, san gạt, đào hạ thấp mặt bằng hoặc các giải pháp khác để có độ cao, độ sâu, độ dốc tương đương tình trạng ban đầu của diện tích đất bị vi phạm; buộc khôi phục đất mặt có độ dày, thành phần, tính chất tương đương với tình trạng đất mặt trước khi bị vi phạm. 

Trường hợp diện tích đất ban đầu có cây trồng, hoa màu, công trình xây dựng trên đất hoặc các vật chất khác mà phải khôi phục hiện trạng ban đầu thì việc khôi phục, mức độ khôi phục được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các loại vật chất đó.

K.N