Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp An Giang

10/08/2022 - 10:42

 - Sáng 10/8, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo, với chủ đề “Tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm; TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cùng chủ trì hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn An Giang đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ về thực trạng nông nghiệp An Giang, phân tích luận cứ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất những giải pháp đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp. Đây là những cơ sở khoa học và đút kết thực tiễn quan trọng để đưa vào thực hiện trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, An Giang tuy có lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích trồng lúa, nhưng thực tế, cây lúa chưa mang lại giá trị cao cho nền kinh tế cũng như thu nhập tương xứng cho nông dân. Do vậy, trong tổ chức lại sản xuất, cần hướng đến xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng theo hướng cao cấp trong nước và thế giới; mạnh dạn chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản có giá trị…

Trong tất cả các ngành hàng, đều chú trọng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập hợp tác xã có sự tham gia của doanh nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến sâu. Nhà nước cần làm tốt vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp công khai, minh bạch, khả thi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích hợp tác xã phát triển…

NGÔ CHUẨN