Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nông dân

10/04/2020 - 05:34

 - Dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Những năm qua, Hội Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các lớp học nghề theo chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở địa phương.

Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn vay

Trước đây, gia đình anh Huỳnh Võ Dương (xã Bình Long) chủ yếu là làm ruộng kết hợp nuôi bò với số lượng khoảng 5 con. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Năm 2019, anh Dương tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi bò do địa phương tổ chức, tại đây, anh Dương được trang bị những kiến thức cơ bản về chăn nuôi như: chọn con giống, thức ăn, quy trình và cách xử lý chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh, các phương pháp phòng, trị bệnh cho bò…

Đặc biệt, sau khi tham gia lớp học nghề, anh Dương còn được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Từ nguồn vốn vay này, anh Dương mua thêm 2 con bò, nâng tổng số bò trong chuồng lên 7 con.

Anh Dương chia sẻ: “Những kiến thức tôi học được giúp ích rất nhiều cho việc chăn nuôi bò của gia đình. đến nay, tôi đã trả được số nợ đã vay và có được nguồn kinh phí để tiếp tục tái đàn. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích chuồng trại, tăng số lượng bò nuôi để nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình”.

Ngoài lớp kỹ thuật chăn nuôi bò ở xã Bình Long, năm 2019, Hội Nông dân huyện Châu Phú phối hợp các đơn vị liên quan còn tổ chức nhiều lớp dạy nghề về sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Được vay vốn sau khi học nghề, nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho biết, năm 2019, hội đã vận động hội viên, nông dân tham gia 6 lớp học nghề, trong đó 4 lớp theo Quyết định số 1956 và 2 lớp sơ cấp, thu hút sự tham gia của 125 nông dân. Ngoài ra, hội còn phối hợp Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang tổ chức 26 lớp dạy nghề về chăn nuôi lươn, thiết kế vườn, trồng nấm các loại, chăn nuôi gia súc, gia cầm với sự tham gia của 650 nông dân. Hội Nông dân còn phối hợp ngành nông nghiệp triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật theo Chương trình dự án (VNSat) tại 6 xã: Mỹ Đức, Mỹ Phú, Ô Long Vỹ, Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây và Bình Long…

Thông qua lớp đào tạo nghề giúp nhiều nông dân tiếp thu được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từ đó mạnh dạn áp dụng vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tiễn. Sau khi đào tạo nghề, nông dân sẽ được các cấp Hội Nông dân vận động tham các tổ, hội hợp tác để hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, nông dân sẽ được hỗ trợ vay vốn từ các nguồn kinh phí của địa phương, nông dân muốn được hỗ trợ vay vốn bắt buộc phải qua các lớp học nghề.

Linh hoạt nguồn vốn vay

Sau khi được đào tạo nghề, tùy hoàn cảnh gia đình của nông dân mà Hội Nông dân huyện Châu Phú lựa chọn các nguồn kinh phí khác nhau để hỗ trợ, như: phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân vốn theo Nghị định số 55 của Chính phủ; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hay nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân... Đặc biệt, Hội Nông dân huyện Châu Phú là đơn vị đầu tiên liên kết với Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) để hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Đồng hành cùng Hội Nông dân huyện Châu Phú từ năm 2018, đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ đã hỗ trợ hàng chục lượt nông dân vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi.

Phó Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Bình Mỹ Tăng Hữu Tùng cho biết, mục tiêu giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là những nông dân không có đất để vay vốn theo hình thức thế chấp, từ đó giúp nông dân chủ động mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống.

Năm 2019, Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ giải ngân cho 18 hộ vay vốn với mục đích chăn nuôi bò, nuôi lươn tại xã Bình Long và Bình Phú với số tiền 450 triệu đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay đã giải ngân 120 triệu đồng cho 4 hộ trồng sầu riêng tại xã Bình Chánh. Các hộ được vay vốn theo hình thức tín chấp, thời gian hoàn vốn sau 1 năm.

Phó Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ Tăng Hữu Tùng cho biết, nông dân phải hội đủ những điều kiện theo yêu cầu, đó là: hội viên Hội Nông dân; là thành viên của Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ; có mục tiêu vay vốn rõ ràng, đặc biệt là phải được tham gia các lớp dạy nghề do địa phương tổ chức.

“Nhờ làm tốt công tác xác nhận đối tượng được vay vốn mà đến nay, chưa có nông dân nào hoàn vốn trễ thời hạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng mức hỗ trợ lên 40-45 triệu đồng/năm; đồng thời hạ mức lãi suất để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay” - ông Tùng chia sẻ.

“Hội Nông dân huyện đã xin chủ trương để Quỹ Tín dụng nhân dân Bình Mỹ được mở rộng địa bàn hỗ trợ vốn vay cho nông dân. Từ đó sẽ giúp nhiều hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc  thông tin.

ĐỨC TOÀN