Hiệu quả của việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

18/07/2018 - 07:29

 - Trước nhu cấp bách về nguồn vốn phục vụ cho quá trình sản xuất - kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, thượng tuần tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang đã kết hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức hội nghị kết nối NH - DN.

Từ mối quan hệ cộng sinh….

Thông điệp được đưa ra từ hội nghị này một lần nữa được khẳng định, mối quan hệ giữa NH - DN là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. NH luôn đồng hành cùng DN, luôn xem khó khăn của DN cũng chính là khó khăn của NH, vì vậy khi DN gặp khó khăn về vốn, thủ tục giải ngân, 2 bên cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Sự cộng đồng trách nhiệm của hệ thống NH đối với các DN trong tỉnh đã giúp đồng vốn tín dụng được khơi thông. Vốn được “bơm” vào nền kinh tế một cách kịp thời, “chảy” vào 5 lĩnh vực ưu tiên đúng thời điểm, từ đó giúp quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục được giữ vững.

“Ban đầu, DN đi tìm NH, sau đó NH đi tìm DN. Nay, cả 2 cùng tìm nhau, cùng bắt tay hợp tác. Sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở việc giải quyết nguồn vốn trong KD mà trong quá trình hợp tác đó, niềm tin của 2 bên ngày càng được thắt chặt và củng cố” - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến lương thực Long An (xã Long An, TX. Tân Châu) Trần Văn Nam chia sẻ.

4 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Chương trình kết nối NH - DN được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 9-2014. Đến nay, đã có 35 chi nhánh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cam kết thực hiện cho vay theo chương trình. Theo đó, đã có 1.619/5.277 DN có quan hệ tín dụng với NH, chiếm tỷ lệ 30,68% số DN đang hoạt động. Dư nợ đến thời điểm diễn ra hội nghị là 13.128 tỷ đồng, chiếm 20,32% tổng dư nợ.

“Kết nối NH - DN nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn NH một cách nhanh nhất, lãi suất vay vốn mang tính ưu đãi nhất. Ngoài ra, chương trình còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là đưa cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả trên cơ sở xác định mối quan hệ giữa NH và DN là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng. Chương trình vừa là giải pháp, vừa là hành động cụ thể của UBND tỉnh, của hệ thống NH trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Trung ương nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường và tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh… ”- Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.

… đến kết quả bước đầu

Kết thúc hội nghị kết nối NH - DN lần thứ 4 năm 2018, các đại biểu dự hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc cấp tín dụng của 4 NH: BIDV, Viettinbank, Sacombank, Vietcombank cho 6 DN KD trên địa bàn tỉnh với hạn mức tín dụng là 128 tỷ 200 triệu đồng.

“Hiệu quả dễ nhìn thấy nhất của Chương trình kết nối NH - DN trong thời gian qua là chương trình đã góp phần quan trọng, giúp DN khắc phục khó khăn, duy trì SX hoặc phục hồi SX trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chương trình đã giúp DN trong tỉnh tiếp tục mở rộng SXKD. Đặc biệt, lãi suất cho vay của chương trình luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm, điều này đã góp phần giúp DN trên địa bàn tỉnh giảm được chi phí SX, hạ giá thành để sản phẩm mang tính cạnh tranh hơn”- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nguyễn Phụng Hoàng chia sẻ.

Từ đầu năm 2018 đến nay, đối với các khoản vay ngắn hạn, lãi suất phổ biến từ 6 - 7%/năm. Đối với các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất từ 8 - 9%/năm. Đặc biệt, một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, có xếp hạng tín dụng tốt, được các NH thương mại lớn trên địa bàn cho vay với lãi suất ưu đãi từ 4 - 4,5%/năm. Điều này đã có tác động lớn đến nền kinh tế, giúp DN giảm chi phí SX, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Nhìn lại bức tranh hoạt động của NH trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2018, có thể khẳng định rằng, tình hình hoạt động tiền tệ, tín dụng, NH trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nhu cầu về vốn của nền kinh tế được đáp ứng kịp thời, tín dụng tăng trưởng khá. Cơ cấu tín dụng thay đổi theo hướng tích cực, dòng vốn tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, ngành hàng quan trọng như: nông nghiệp, nông thôn, SX hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ…Tổng dư nợ thực hiện đến cuối tháng 6 - 2018 là 64.602 tỷ đồng, so cuối năm 2017 tăng 6,27% (tương đương 3.813 tỷ đồng).

“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chương trình này theo chỉ đạo của NHNN Trung ương, UBND tỉnh bằng các giải pháp như mở rộng chương trình đến nhiều đối tượng là cơ sở SXKD có quy mô hoạt động nhỏ (các hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình làm kinh tế); ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; DN vừa và nhỏ; DN xuất khẩu; DN ứng dụng công nghệ cao…để các DN, hộ SXKD có được đồng vốn lãi suất thấp, qua đó giúp nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm” - Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

 

Liên kết hữu ích