Hiệu quả dự án ứng dụng thiết bị gieo hạt lúa theo cụm

19/05/2021 - 04:03

 - Thực hiện Quyết định số 71/2019/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh về quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kỹ sư Lê Ngọc Linh (Trung tâm Khuyến nông An Giang) triển khai dự án “Ứng dụng thiết bị gieo hạt lúa theo cụm tại huyện Tịnh Biên và Phú Tân”.

 Dự án được triển khai tại huyện Tịnh Biên và Phú Tân, với mục tiêu ứng dụng thiết bị gieo hạt theo cụm trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất lao động, giảm lượng hạt giống gieo, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đồng thời, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu cụ thể cần đạt là hỗ trợ đầu tư 2 bộ thiết bị gieo hạt theo cụm do Công ty Hàn Quốc sản xuất đạt các thông số kỹ thuật, như: trọng lượng 132kg; khoảng cách hàng là 25cm; số hàng gieo là 10 hàng; cụm cách cụm là 10, 12, 14, 16, 18, 21cm (điều chỉnh tùy người sử dụng); model 2BD-1025 cho nông dân 2 huyện: Tịnh Biên và Phú Tân. Thiết bị gieo hạt theo cụm được tích hợp 2 trong 1 với máy cấy lúa Yanmar hoặc Kubota, hoạt động đạt công suất 0,35ha/giờ (3ha/ngày) với tổng diện tích gieo sạ đạt 240ha/2 máy/năm.

Chi phí gieo giảm ít nhất 50% (giảm 3.000.000-3.400.000 đồng/ha) so với cấy lúa bằng tay và 40% bằng máy (giảm 1.200.000-1.400.000 đồng/ha so với cấy lúa bằng máy). Lượng giống gieo trung bình từ 50-100kg/ha, giảm ít nhất 20% so với sạ hàng (giảm từ 30-40kg/ha) và tổ chức 1 cuộc trình diễn hội thảo đầu bờ tại điểm thực hiện dự án nhằm tuyên truyền nhân rộng mô hình.

Trình diễn thiết bị gieo hạt lúa theo cụm để tuyên truyền nhân rộng đến người dân

Qua 12 tháng thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên) và hộ ông Nguyễn Văn Của (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân) được hỗ trợ đầu tư 2 bộ thiết bị gieo hạt theo cụm, tích hợp 2 trong 1 với máy cấy lúa Yanmar hoặc Kubota, hoạt động đạt công suất 0,35ha/giờ (3ha/ngày), tỷ lệ hạt theo cụm đạt từ 70-96% (tùy vào cấp độ chỉnh của thiết bị gieo tương ứng với tốc độ làm việc của máy.

Kỹ sư Lê Ngọc Linh thông tin: diện tích gieo sạ hiện tại đạt 190ha/2 máy, việc ứng dụng bộ thiết bị này giúp lượng giống gieo giảm 1/3 so với sử dụng bằng phương pháp sạ tay (trung bình từ 50-80kg/ha) nhưng vẫn đảm bảo năng suất so với các phương pháp gieo sạ khác trong vùng; ít sâu bệnh, đổ ngã (đặc biệt là vào vụ hè thu) do mật độ thông thoáng hơn.

Tháng 4-2021, chủ nhiệm dự án phối hợp với địa phương (UBND xã Tân Lập, Trạm Khuyến nông huyện Tịnh Biên) tổ chức 1 hội thảo đầu bờ tại điểm thực hiện dự án trình diễn thiết bị gieo hạt lúa theo cụm tại xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên) với khoảng 20 nông dân tham dự. Tại buổi hội thảo đã tổ chức trình diễn thiết bị gieo hạt lúa theo cụm để tuyên truyền nhân rộng công nghệ đến người dân; tổng kết sơ bộ kết quả sau 12 tháng triển khai thực hiện dự án tại huyện Tịnh Biên và Phú Tân. Ở ruộng trình diễn máy sạ lúa theo cụm, nông dân được nhìn thấy thực tế quá trình máy hoạt động, cũng như được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách điều chỉnh máy, cách khởi động máy cùng việc điều chỉnh lượng giống gieo sạ theo từng cụm phù hợp từng mùa vụ gieo sạ.

Ghi nhận tại hộ nông dân Trần Văn Xuân (huyện Tịnh Biên), thiết bị hoạt động đạt công suất tối thiểu 3ha/ngày (nếu đất không liền thửa) và 7ha/ngày (nếu đất liền thửa). Công suất hoạt động trung bình từ 2,5-4,5ha/ngày (tùy vào điều kiện thửa ruộng). Lượng giống gieo trung bình từ 50-80 kg/ha, giảm 1/3 so với sử dụng bằng phương pháp sạ tay; tỷ lệ hạt theo cụm đạt từ 80-95%, tỷ lệ cây/cụm sau gieo trên 96%.

Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giới thiệu cho bà con nông dân về việc tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm công lao động, nhẹ công chăm sóc lúa trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, giảm lượng giống gieo sạ, tăng năng suất, chất lượng lúa khi áp dụng máy sạ lúa theo cụm, cũng như đa dạng hóa các phương pháp gieo hạt tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích.

HẠNH CHÂU