Hiệu quả truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả

04/12/2020 - 07:10

 - Từ cuối năm 2018, Sở Công thương An Giang đưa vào vận hành phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả; trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và duy trì cho đến nay. Với sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Công thương, cùng với nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ của các đơn vị sản xuất, việc áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cơ sở, doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Với giải pháp này, DN sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất và người mua có thể xem thông tin về lô hàng, sản phẩm trên hệ thống ngay khi sản phẩm chưa rời khỏi nơi sản xuất. Chỉ với thao tác đơn giản trên smartphone, người dùng có thể quét mã QRcode để có được đầy đủ thông tin về rau, củ, quả, an tâm khi sử dụng.

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc không làm tăng giá sản phẩm. Mô hình này giúp người tiêu dùng nhận biết và kiểm tra các thông tin về nguồn gốc trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật và xác định cửa hàng có trách nhiệm kinh doanh. Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Đối với đơn vị sản xuất, sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng cũng góp phần xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm, chiếm được lòng tin của khách hàng, cơ sở, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt sản phẩm truy xuất với các sản phẩm thông thường, vì vậy giá bán các sản phẩm rau an toàn đạt cao và ổn định hơn.

Sau khi triển khai thí điểm, Sở Công thương An Giang tiếp tục phối hợp các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các nhà trồng trọt, điểm kinh doanh tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nhân rộng toàn tỉnh, vận hành mô hình nhận diện và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả trên địa bàn với phương châm “Vì an toàn thực phẩm, chung tay vì sức khỏe người tiêu dùng”.

Đại biểu quét mã QRcode để xem thông tin về rau củ quả truy xuất nguồn gốc

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 21 DN, cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rau, củ, quả an toàn tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc với hơn 120 sản phẩm. Đó là: Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam (TP. Long Xuyên) đã có chứng nhận VietGAP cho 3 sản phẩm; Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc (Siêu thị Tứ Sơn); Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc); Công ty TNHH Nông trại An Giang, Công ty TNHH MTV TM-DV Nhật Trường (trồng rau thủy canh đã có chứng nhận VietGAP cho 20 sản phẩm), Hộ kinh doanh Hùng Hạnh, hộ sản xuất nông trại Ếch Ộp (Thoại Sơn), hộ kinh doanh Hoa lan Thanh Mai (rau thủy canh), Công ty TNHH Nông nghiệp Song Mai (TP. Long Xuyên); Công ty TNHH Nông phẩm Lộc Trang, Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Kiến An-Chợ Mới, HTX sản xuất GAP Bình Phước Xuân, Tổ hợp tác (THT) cây ăn trái, Hộ kinh doanh Thanh Pho, hộ kinh doanh Đức Hiền, (Chợ Mới); HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (Tri Tôn); THT nhãn xuồng, THT sản xuất rau màu an toàn Thành Lợi, THT sản xuất rau an toàn An Tâm, THT rau an toàn Hòa Phú (Châu Phú); Công ty TNHH trang trại hữu cơ 7 Núi (Tịnh Biên).

Các sản phẩm rau, củ, quả truy xuất nguồn gốc

Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam có nông trại sản xuất các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như: dưa lưới, cà chua bi, ổi, mồng tơi, rau muống, mướp... cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản an toàn ở TP. Long Xuyên, huyện Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú và chợ An Châu, các trường học bán trú và bệnh viện. Siêu thị Tứ Sơn trồng và cung cấp 15 loại rau truy xuất nguồn gốc cho người tiêu dùng tại siêu thị. HTX nông sản an toàn Kiến An- Chợ Mới sản xuất các loại ngò gai, hẹ lá, rau ngót, bắp trái non hơn 4 tấn/ngày cung cấp cho Mega Long Xuyên, chợ Long Xuyên, chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp), chợ Châu Đốc, chợ Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh...

Người mua hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code trên ứng dụng Zalo, Messenger Facebook hoặc tích hợp sẵn trên máy ảnh của smartphone (điện thoại thông minh), là có thể tra cứu được toàn bộ thông tin của sản phẩm từ cơ sở sản xuất, ngày gieo hạt, ngày trồng, quy trình chăm sóc, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được dùng, thời gian cách ly, ngày thu hoạch, địa điểm kinh doanh, cùng các giấy tờ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và bản đồ địa điểm sản xuất...

Việc triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu DN, góp phần đẩy lùi hàng kém chất lượng, đảm bảo hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc đối với rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp không ít khó khăn.

Một số đơn vị sản xuất nông sản chưa thường xuyên gắn tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm, kể cả một bộ phận người tiêu dùng chưa quan tâm. DN, cơ sở sản xuất cho rằng, việc sử dụng tem QR là không cần thiết, vì công ty đã có tem riêng, người tiêu dùng đã tin dùng sản phẩm có thương hiệu đó nên đa phần họ ít chú ý quét tem QR code... dẫn đến tỷ lệ sản phẩm được dán tem QR code tại các điểm bán không nhiều.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. Do đó, việc việc nâng cao nhận thức cho người dân, đơn vị sản xuất về ý nghĩa, bản chất của truy xuất nguồn gốc nông sản nói chung, rau, củ, quả nói riêng là việc làm hết sức cần thiết.

Bài, ảnh: HẠNH  CHÂU

 

Liên kết hữu ích