Dự án VnSAT mang đến những hiệu quả thiết thực tại xã Tân Lập trong giai đoạn 2016-2020
Xã Tân Lập có diện tích tự nhiên trên 3.000ha, trong đó có 2.794ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là địa phương được Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang chọn làm nơi triển khai dự án nhằm tạo điều kiện để người dân, cán bộ địa phương tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi nhận thức cũng như tập quán sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, từng bước nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Phan Văn Khoa thông tin: “Dự án VnSAT được thực hiện trên địa bàn xã Tân Lập giai đoạn 2016-2020 với 650 hộ dân tham gia trên diện tích 1.329ha, hiện đã phát huy tác dụng rất tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tỷ lệ hộ nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị phục vụ sản xuất ngày càng cao. Việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững tạo điều kiện cho hoạt động liên kết chuỗi giữa nông dân với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng ổn định hơn”.
Giai đoạn 2016-2020, cán bộ, nông dân xã Tân Lập đã tham gia 42 lớp tập huấn các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP và chuẩn SRP… Qua đó, đã bổ sung thêm kiến thức canh tác nông nghiệp hữu cơ, an toàn, giúp nâng cao lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt, những công trình được đầu tư từ Dự án VnSAT, gồm: 3 cống hở có kiểm soát nước, lộ giao thông nối liền tuyến dân cư Tân Thành đến cầu Bình Định và từ kênh Định Thành đến kênh 12, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, góp phần tích cực trong việc phục vụ sản xuất của nông dân.
Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Thành (xã Tân Lập) Lê Văn Thiệp cho hay: “Với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã cũng như các ngành chuyên môn huyện, tỉnh, Dự án VnSAT được người dân trong ấp tiếp cận khá tốt. Đến nay, đa số bà con đều áp dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” trên đồng ruộng để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tham gia các chương trình tập huấn của nông dân đôi lúc chưa nhiệt tình, đầy đủ. Nhiều nông dân chưa mạnh dạn áp dụng các kiến thức được tập huấn, mà cứ chăm chăm làm theo tập quán nên chúng tôi cần phải đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền”.
Nằm trong mục tiêu của dự án, việc liên kết tiêu thụ lúa theo hợp đồng bao tiêu với công ty được đẩy mạnh thực hiện trên địa bàn xã Tân Lập. Trong đó, địa phương đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tân Lập với vai trò “đầu mối” liên kết nông dân làm ăn với doanh nghiệp. Ông Trần Văn Xuân (đại diện Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tân Lập) thông tin: “Để có đầu ra cho bà con, chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh, như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương… triển khai liên kết sản xuất lúa theo hợp đồng bao tiêu khoảng 300-500ha/vụ. Bước đầu, nông dân khá phấn khởi vì có thể yên tâm về đầu ra trong quá trình sản xuất”.
Thời gian tới, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tân Lập sẽ phối hợp các ngành đẩy mạnh vận động xã viên, nông dân thực hiện các chương trình được tập huấn từ Dự án VnSAT, nhằm xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu của địa phương. Đồng thời, mạnh dạn liên kết với các công ty tìm đầu ra cho nông dân để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao lợi nhuận một cách bền vững.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại địa phương, UBND xã Tân Lập mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án VnSAT cùng ngành chuyên môn trong quá trình thực hiện thời gian tới. “Chúng tôi mong muốn Ban Quản lý dự án VnSAT, Tổ thực hiện dự án huyện Tịnh Biên và các ngành chuyên môn sẽ hỗ trợ địa phương liên kết cùng các công ty bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cả hấp dẫn hơn. Đồng thời, mong mỏi sẽ được đầu tư 2 tiểu dự án đường giao thông nội đồng dọc theo kênh Nhơn Thới 2 và kênh Định Thành để nông dân địa phương được thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất nông nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Phan Văn Khoa đề xuất.
THANH TIẾN