Hiệu quả từ mô hình nuôi ốc bươu đen

04/12/2024 - 07:39

 - Phong trào nuôi ốc bươu đen để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình được nhiều hộ nông dân đang triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ mô hình này, giúp nhiều hộ thoát nghèo và kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn. Trong đó, mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lâm Chí Cường, ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) là một điển hình.

Mô hình nuôi ốc bươu đen giúp anh Lâm Chí Cường có được nguồn thu nhập ổn định

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, anh Lâm Chí Cường quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sẵn có diện tích mặt ao của gia đình, anh Cường bắt đầu cải tạo, chuyển sang nuôi ốc bươu đen. Để tiện cho việc chăm sóc, anh Cường thiết kế khu vực chăn nuôi thành các khu riêng biệt. Ngoài khu vực nuôi ốc thương phẩm còn có khu vực nuôi giống, sinh sản, ấp trứng, nuôi ốc, con giống với tổng diện tích trên 3.500m2.

Với diện tích trên, anh Cường thả nuôi hơn 1,2 tấn ốc bươu đen bố mẹ. “Trong ao nước, để tạo mát cho ốc, tôi thả lục bình, bông súng, bèo tai tượng, bèo cám và cho thả thêm gốc cây, thùng xốp để ốc mẹ làm tổ đẻ trứng. Để có môi trường nước sạch, tôi cho nước ra vô ao tự nhiên. Trên bờ ao, tôi trồng thêm mít, chuối xiêm, cà tím và mướp, để tận dụng những trái chín hư không bán được làm thức ăn cho ốc” - anh Cường chia sẻ.

Anh Cường cho biết thêm, ốc bươu đen dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, lại ít dịch bệnh. Cùng với những ưu điểm đó, nguồn thức ăn cho ốc cũng khá dễ tìm, chủ yếu là rau, cỏ, bèo, lá sắn ở địa phương. Tuy nhiên, để nuôi ốc thành công, người mới nuôi cần nắm rõ kỹ thuật, thức ăn cho ốc bươu đen. “Tôi xem trên mạng xã hội, thấy nông dân ở nơi khác nuôi thành công nên mày mò, nghiên cứu nuôi theo. Nuôi ốc bươu đen cũng gặp khó khăn, nhưng kiểm soát nguồn nước tốt thì ốc sẽ không bị bệnh. Do đó, 1 tuần tôi tiến hành thay nước 1 lần” - anh Cường chia sẻ thêm.

Nhờ yếu tố sinh sản quanh năm, nên người nuôi ốc như anh Cường chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể nhân giống qua các năm. Ốc đẻ nhiều nhất vào mùa mưa và thường đẻ vào ban đêm, ở bờ ao hoặc trên thân bèo. Khoảng 8 - 12 giờ sau khi đẻ, vỏ trứng khô lại, anh Cường bắt đầu thu gom trứng rồi cho vào khay nhựa. Những chiếc khay sau đó được đặt trong thùng xốp, phía dưới có đổ nước, đồng thời xịt nước giữ ẩm hàng ngày để trứng nở.

Sau 15 - 20 ngày, trứng ốc bắt đầu nở; nuôi dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống. Anh Cường cho biết, ốc thương phẩm được bán cho những nhà hàng, quán ăn và người dân địa phương. Ngoài ra, thông qua các trang mạng xã hội, Youtube, Facebook, TikTok… ốc được bán khắp mọi miền đất nước.  “Bình quân 1 tuần tôi bán cho khách tầm 10 - 15kg trứng ốc, với giá thành từ 500.000 - 550.000/kg; ốc giống được bán với giá 200 đồng/con. Trứng ốc bươu đen loại 1 có tỷ lệ nở 80 - 90%. 1kg trứng ốc bươu đen có thể nở được 7.000 - 14.000 con giống tùy theo kỹ thuật ương giống. Mỗi tháng, trừ đi các chi phí, công chăm sóc, tôi thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng” - anh Cường cho biết.

Những năm trước đây, gia đình anh Lâm Chí Cường còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã Lạc Quới đã tạo điều kiện cho gia đình anh Cường tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt là lớp tập huấn về mô hình chăn nuôi ốc sinh sản và ốc thương phẩm, do Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức tại địa phương. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nên việc nuôi ốc ngày càng thuận lợi, tình hình kinh tế gia đình anh Cường ngày càng chuyển biến. Hiện nay, anh Cường là một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Quới Lê Kim Hòa cho biết, ngoài việc thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, anh Lâm Chí Cường còn hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăn nuôi ốc; ủng hộ tiền, ngày công lao động để cùng Ban Nhân dân ấp sửa chữa đường giao thông nông thôn phục vụ đi lại cho người dân; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo… Bên cạnh đó, gia đình anh Lâm Chí Cường còn được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm liền. Anh Cường là tấm gương để nông dân, nhất là nông dân trẻ ở địa phương noi theo.

Ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi là loài động vật thân mềm, sống phổ biến trong tự nhiên ở các ao hồ, sông suối. Tuy nhiên, do môi trường sống bị ô nhiễm, sự xâm nhập của ốc bươu vàng và nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường nên ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Do đó, việc nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen như của anh Cường mang lại nguồn thu ổn định hơn so với nhiều loại vật nuôi khác.

ĐỨC TOÀN