Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân và lãnh đạo hội, đoàn thể nhận ủy xã Bình Thạnh Đông trao đổi với các đối tượng vay vốn chính sách
Những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp nhiều đối tượng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Đơn vị đã tích cực phối hợp các tổ chức chính trị xã hội và UBND các xã, thị trấn nhận ủy thác vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo và các các đối tượng chính sách, đồng thời không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Từ đầu năm 2021 đến nay, phòng giao dịch đã giải ngân cho trên 1.600 hộ vay vốn, với số tiền gần 55 tỷ đồng. Toàn huyện có 345 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ đạt trên trên 336,5 tỷ đồng, với gần 16.170 hộ được vay vốn. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Anh Hồ Tấn Tài phát triển chăn nuôi heo từ nguồn vốn chính sách
Là trụ cột trong gia đình, với 6 nhân khẩu, gồm cha mẹ, vợ và 2 con, với nghề làm thuê, nên cái ăn, cái mặc của gia đình anh Hồ Tấn Tài (ngụ ấp Bình Trung 2, xã Bình Thành Đông) rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà cuộc sống gia đình anh từng bước ổn định, dần vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học. Tháng 6-2020, gia đình anh vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Hiện nay, gia đình có gần 100m² chuồng trại nuôi 4 heo nái sinh sản và 12 con heo thịt. Nguồn con giống tự có cùng với kinh nghiệm trong nhiều năm chăn nuôi, đàn heo của gia đình anh Tài phát triển rất tốt. Anh Tài vừa bán 11 con heo thịt, với giá 6,2 triệu đồng/100kg, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 1,5 triệu đồng/con.
Anh vui mừng vì được vay vốn ưu đãi và vui hơn nữa khi các thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc đến hạn đều thực hiện nhanh gọn, với hình thức linh hoạt phù hợp với điều kiện của gia đình, anh Tài chia sẻ: “Với thời hạn vay, mức vay phù hợp với khả năng trả nợ của gia đình, hàng tháng, tôi đều trả lãi và gửi tiết kiệm theo quy định. Tôi dự định sửa lại chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cho gia đình, đề nghị Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương và NHCSXH xem xét nâng mức vay để gia đình tôi thực hiện phương án”.
Chị Phạm Thị Lệ Hạnh sử dụng vốn chính sách để phát triển chăn nuôi bò
Tương tự, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã tiếp sức vợ chồng chị Phạm Thị Lệ Hạnh (ngụ ấp Bình Trung 1, xã Bình Thạnh Đông) ổn định cuộc sống từ nghề nuôi bò vỗ béo. Ngoài việc nuôi bò, chị đi bán trái cây quanh xóm, chồng chị làm thuê cho hợp tác xã nông nghiệp nên cuộc sống ổn định hơn trước. Năm 2020, chị vay vốn từ NHCSXH 30 triệu đồng để nuôi 3 con bò. Chị Hạnh cho biết: “3 con bò nuôi gần 1 năm, có thể xuất chuồng. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi từ 12 – 15 triệu đồng/con. Nếu không vay được tiền từ NHCSXH để nuôi bò, có lẽ gia đình tôi không thể cất được căn nhà tương đối như thế này. Khi cuộc sống ổn định thì phải có trách nhiệm với số tiền mình vay. Hàng tháng, tôi đều trả lãi và gửi tiết kiệm đúng quy định của Tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân Nguyễn Ngọc Bửu Châu cho biết, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân tiếp tục tham mưu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn, nâng cao chất lượng tín dụng…
TRUNG HIẾU