Hỗ trợ đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu lao động trẻ em

05/07/2022 - 07:59

 - An Giang là một trong 3 địa phương (An Giang, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổ chức Lao động quốc tế ILO lựa chọn để triển thực hiện dự án phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (ENHANCE). Giai đoạn 2018-2022, dự án triển khai các hoạt động với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 5,4 tỷ đồng. Đến nay, các hoạt động được đánh giá mang lại nhiều kết quả tích cực.

Chăm lo thiết thực

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Văn Tuấn cho biết, dự án được triển khai tại 9 xã thuộc 4 địa phương, gồm: Xã Mỹ Phú, Khánh Hòa (huyện Châu Phú);  phường Châu Phú A, Núi Sam (TP. Châu Đốc); xã Nhơn Hội, Phú Hữu (huyện An Phú); xã Mỹ An, An Thạnh Trung, Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới). Các  lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản được xác định là ngành ưu tiên để thực hiện các can thiệp trực tiếp. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ hơn 2.000 trẻ em thuộc các nhóm đối tượng hưởng lợi và hơn 1.000 hộ gia đình của trẻ trong dự án được nhận hỗ trợ để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập thông qua phát triển chuỗi giá trị và các hỗ trợ sinh kế.

Kết thúc giai đoạn 1, dự án đã lập 3.012 trẻ trên hệ thống DBMR (vượt kế hoạch so số lượng phân bổ ban đầu là 2.000 trẻ). Số trẻ này được phê duyệt theo các tiêu chí hỗ trợ từ dự án. Dựa trên danh sách trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc tham vấn xác minh nhu cầu giáo dục tại các trường đối với các trẻ đang đến trường để gửi danh sách cho ILO mua sắm, hỗ trợ giáo dục, như: Sách, vở, quần áo đồng phục, bàn ghế…

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng đích tham gia các hoạt động trại hè do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức

Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức 3 trại hè cho 300 trẻ em thuộc nhóm đối tượng đích, áp dụng phương pháp SCREAM vào các hoạt động tại huyện Tịnh Biên. Thông qua trại hè giúp các em nắm được các kiến thức về lao động trẻ em và tạo sân chơi, môi trường cho các em được giao lưu, học hỏi. Hầu hết các trẻ đều hào hứng, phấn khởi và kiến nghị ILO tổ chức hoạt động trại hè trong và ngoài tỉnh thường xuyên hơn.

Hỗ trợ sinh kế

Công tác đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nguy cơ được quan tâm. Ông Trần Thanh Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang) thông tin, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, trường vẫn phối hợp chặt chẽ với cán bộ huyện Châu Phú và An Phú tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ của dự án và đạt một số kết quả nhất định. Hiện tại, những trẻ hoàn thành các khóa học đã đi làm và có thu nhập phụ giúp gia đình vượt qua khó khăn. Trong đó, có 16 trẻ học nghề trung cấp, 7 trẻ học nghề ngắn hạn ngoài cộng đồng.

Dự án còn hỗ trợ sinh kế cho gia đình trẻ thuộc nhóm đích với những mô hình áp dụng phù hợp cho từng hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội tại từng địa phương. Tiêu biểu là mô hình nước ép xoài tại xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới), mô hình máy sấy ớt tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), các mô hình chế biến phân bón hữu cơ sử dụng phân bò và thân cây bắp để bón cho cây trồng; mô hình trồng nấm bào ngư, đậu nành rau… Với những kiến thức về kỹ thuật được hỗ trợ từ dự án, người dân đã nhân rộng mô hình và mang lại lợi nhuận cao cho người dân tại các địa phương ở trong và ngoài địa bàn dự án.

Các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn không bùn bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp được triển khai cho các hộ thuộc nhóm đích của dự án, các hộ ngoài dự án có nhu cầu, với 225 lượt người tham dự. Có 257 lượt hộ tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các hộ thuộc nhóm đích trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, thị trường và chuỗi giá trị. Đến giai đoạn 2, dự án hỗ trợ 41 hộ nuôi lươn và 39 hộ trồng nấm (trung bình 15 triệu đồng/hộ), hỗ trợ 3 hộ hệ thống tưới phun ớt tại huyện Châu Phú; 16 hộ tham gia vận hành hệ thống máy sấy ớt tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú).

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang Ngô Hữu Lễ đánh giá: “Dự án ENHANCE có ý nghĩa về tính nhân văn và an sinh xã hội cho người dân cải thiện sinh kế, giúp địa phương nâng cao tỷ lệ thoát nghèo và giảm nghèo bền vững. Là đơn vị tham gia dự án, chúng tôi đề nghị ban quản lý dự án nghiên cứu, tiếp tục hỗ trợ cho An Giang “gói hỗ trợ sinh kế” trong thời gian tới, vì đây là mô hình đã mang lại hiệu quả, có thể nhân rộng ở nhiều địa bàn khác trong tỉnh”.

Theo ông Phan Văn Tuấn, sau thời gian triển khai, dự án được đánh giá đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc nâng cao nhận thức của các cấp,  ngành, nhất là nhận thức của người dân và cộng đồng về công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em tại tỉnh An Giang. Các mô hình cho trẻ học nghề, mô hình sinh kế mà dự án ENHANCE triển khai đang được nhân rộng tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã kiến nghị ban quản lý dự án hỗ trợ gia hạn và mở rộng hoạt động dự án tại tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ thêm các mô hình dạy nghề cho trẻ em, mô hình sinh kế tại các huyện, hỗ trợ cho các nhóm trẻ di cư do ảnh hưởng dịch COVID-19 có nguy cơ lao động sớm...

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích