Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ
Đề tài “Nghiên cứu quy trình tăng sinh khối và chế biến bột Probiotic xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ điều trị bệnh cho thủy sản”, do ThS. Lý Thị Thanh Thảo làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 12 tháng, mục tiêu nhằm xây dựng quy trình tăng sinh 3 chủng vi khuẩn Lactobacillus plantarum, Bacillus subtilis, Rhodobacter johrii và phương pháp chế biến bột probiotic từ 3 loại vi khuẩn trên. Mục tiêu nghiên cứu quy trình và các điệu kiện tối thích tăng sinh chủng vi khuẩn Lactobacillus plantarum; nghiên cứu quy trình và các điệu kiện tối thích tăng sinh chủng vi khuẩn Bacillus subtilis và vi khuẩn Rhodobacter johrii. Nghiên cứu quy trình chế biến bột probiotic trên nền sinh khối của 3 chuẩn vi khuẩn trên.
Nghiên cứu này tập trung xây dựng quy trình tăng sinh khối tối ưu để tạo ra nguồn vi sinh bán thành phẩm có mật số cao và hoạt lực mạnh. Nguồn sinh khối này sẽ được nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật làm khô tối ưu để tạo ra sản phẩm bột Probiotic thương phẩm có chất lượng cao. Sản phẩm được sản xuất thử nghiệm trên quy mô pilot để có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp (DN) chế biến các chế phẩm vi sinh cho nông nghiệp trên địa bàn An Giang.
Theo ThS. Lý Thị Thanh Thảo, đến nay, đề tài hoàn thành các mục tiêu đề ra và đang trong giai đoạn thực hiện nội dung 5 (Khảo sát tính hiệu quả của 3 chủng vi khuẩn đối với chất lượng nước và cá tra giống trong điều kiện xử lý tại ao nuôi) và hoàn chỉnh báo cáo nghiệm thu theo kế hoạch tháng 12/2024. Nghiên cứu này thành công sẽ tạo nền tảng, cơ sở khoa học - kỹ thuật vững chắc để các DN sản xuất thuốc thủy sản trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Đề tài sau khi được nghiệm thu sẽ được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học công nghệ cao Sông Hậu (TP. Long Xuyên).
Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ (Tubifex sp.) phục vụ sản xuất giống thủy sản”, do ThS. Trịnh Thị Lan làm chủ nhiệm. Mục tiêu nhằm xây dựng quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ Tubifex sp. trong hệ thống tuần hoàn chảy tràn có theo dõi các yếu tố môi trường liên tục. Xác định được loại chất nền và thức ăn bổ sung cho trùn chỉ đạt sinh khối tốt nhất. Xây dựng được quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ cho tổng sinh khối cao và ổn định 100mg/cm2. Tập huấn cho 10 - 15 kỹ thuật viên, sinh viên về kỹ thuật nuôi sinh khối trùn chỉ.
Theo đó, chủ nhiệm đề tài thực hiện thiết kế mô hình nuôi trùn chỉ trong hệ thống tuần hoàn, với các nguồn thức ăn tối ưu khác nhau quy mô phòng thí nghiệm, nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và gia tăng mật độ của trùn chỉ Tubifex sp. Với các loại thức ăn khác nhau trong điều kiện ổn định các yếu tố môi trường, để xác định được loại thức ăn tối ưu cho sinh khối trùn chỉ tốt nhất. Xây dựng quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ và tập huấn kỹ thuật cho kỹ thuật viên, sinh viên về quy trình nuôi. Nội dung này sẽ xây dựng quy trình nuôi sinh khối trùn chỉ tốt nhất trong điều kiện trại thực nghiệm có theo dõi các yếu tố môi trường, như: Nhiệt độ, pH, ô-xy hòa tan và tốc độ dòng chảy.
Theo ThS. Trịnh Thị Lan, đến nay, đề tài đã thực hiện thiết kế, vận hành hệ thống tuần hoàn và làm xong các chất nền, thức ăn và bố trí nuôi sinh khối trùn chỉ. Hệ thống đang hoạt động và theo dõi sinh khối của trùn chỉ, cũng như các yếu tố môi trường. Thời gian tới, tiếp tục theo dõi dự tăng sinh khối của trùn chỉ ở các nghiệm thức và ghi nhận kết quả; theo dõi các yếu tố môi trường, phân tích các thành phần hóa học của trùn chỉ và chất nền.
Hiện nay, nhu cầu về trùn chỉ trong sản xuất giống cá nước ngọt rất cần thiết, đề tài thành công sẽ giúp thương mại hóa sản phẩm. Nếu duy trì tốt sẽ đáp ứng nhu cầu thức ăn tự nhiên cho cá bột trên thị trường, giúp tăng tỷ lệ sống cá bột. Đồng thời, là tiền đề sản xuất giống thủy sản nước ngọt, chủ động trong tạo thức ăn tự nhiên cho ấu trùng tôm, cua và cá nhỏ.
HẠNH CHÂU