Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

20/02/2020 - 16:58

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống của một bộ phận nông dân.

Vựa xoài Phú Quí chấp nhận lỗ, mỗi ngày thu mua hơn 20 tấn xoài

Nhiều vựa xoài thu mua cầm chừng bán nội địa

Sản lượng thu hoạch cao, khó tiêu thụ

Tại huyện Chợ Mới (An Giang), diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh với 6.116ha (chiếm 57% diện tích trồng xoài cả tỉnh), trong đó 4.172ha đang cho trái. Sản lượng thu hoạch dự kiến từ tháng 2 đến tháng 6-2020 là 19.630 tấn. Hơn 90% sản lượng xoài được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc (số lượng chưa nhiều).

Sau khi Trung Quốc đóng cửa, phần lớn các vựa xoài đều ngưng hoạt động, chỉ một số vựa hoạt động cầm chừng, tiêu thụ nội địa với giá rất thấp: xoài loại 1 từ 7.000-8.000 đồng/kg; xoài loại 2 và loại 3 từ 2.000-4.000 đồng/kg, so với thời điểm trước khi có dịch bệnh, giá xoài thu mua bình quân 15.000 đồng/kg. Hiện các vựa xoài còn tồn hơn 100 tấn chưa tiêu thụ được.

Nhiều nông dân chia sẻ, sản lượng và chất lượng xoài năm nay thấp hơn mọi năm, chưa đa dạng hình thức tiêu thụ sản phẩm. Chi phí đầu tư cao nhưng giá xoài thu mua lại thấp, khiến nông dân rất lo lắng. Đặc biệt, do ảnh hưởng dịch bệnh nên hàng loạt các vựa ngừng thu mua. Giá thấp, một số nhà vườn không bán, neo chờ giá nên xoài chín trên cây và rơi rụng; các vựa xoài hiện còn tồn hàng nên không thể tiếp tục thu mua.

Tại huyện Thoại Sơn (An Giang) có 3 chủ vườn trồng xoài 3 màu đang thu hoạch rộ với sản lượng khoảng 40 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, nên gặp khó khăn đầu ra. Tại huyện Tri Tôn (An Giang), Công ty SD (ở xã Vĩnh Gia) đang thu hoạch chuối cấy mô (chuối già Nam Mỹ), thị trường tiêu thụ Trung Quốc (chiếm 80%), Malaysia, Dubai... hiện đang khó tiêu thụ. Ở huyện Phú Tân (An Giang), trên 23.000ha lúa, nếp; đến cuối tháng 2 trên 10.000ha lúa, nếp chín thu hoạch. Giá nếp tươi thương lái thu mua 5.500-6.000 đồng/kg, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ, do sản lượng thu hoạch cao mà phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nhiều vựa xoài thu mua cầm chừng bán nội địa

“Giải cứu” nông sản cho nhà nông

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản đang trong thời gian thu hoạch, Sở Công thương An Giang kêu gọi Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các DN, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản An Giang đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Thực hiện lời kêu gọi đó, siêu thị Tứ Sơn, siêu thị Co.opmart đã phối hợp Sở Công thương hỗ trợ nông dân (Lê Thị Hạnh, ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, Thoại Sơn) tiêu thụ hơn 4,5 tấn bưởi da xanh ruột hồng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mới đây, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hội Nông dân tỉnh nắm tình hình sản xuất, tiến độ thu hoạch và tiêu thụ nếp, xoài ở huyện Phú Tân, Chợ Mới.

Qua đó đề nghị các hợp tác xã kêu gọi DN  ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tăng diện tích thu mua. Các xã, thị trấn tạo điều kiện cho DN liên kết thu mua nông sản; vận động nông dân sản xuất theo định hướng thị trường, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tham gia liên kết sản xuất để đảm bảo ổn định đầu ra, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới) Trần Văn Nam cho biết, toàn xã còn 9/23 vựa thu mua xoài, còn lại đóng cửa. Tại xã Tấn Mỹ 1/27 vựa mở cửa thu mua xoài cóc cho nông dân để bán nội địa. Ông Nguyễn Văn Thiệt (xã Bình Phước Xuân) cho biết: “Tôi có 6 công xoài hơn 1 tháng nữa thu hoạch, với giá giảm mạnh như hiện nay lỗ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, chứ từ trước Tết đến nay rất ít thương lái thu mua xoài”.

Khác với hình ảnh hàng loạt vựa xoài đóng cửa, tại vựa xoài Phú Quí (xã Bình Phước Xuân) vẫn đang nhộn nhịp đóng thùng xoài, chuẩn bị giao hàng. Chị Huỳnh Thị Ngữ cho biết: “Từ Tết đến nay, tôi chấp nhận lỗ, mỗi ngày thu mua 20-30 tấn xoài để hỗ trợ nông dân. Xoài tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, các chợ đầu mối ở Quảng Trị, Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang... Mỗi chuyến hàng lỗ từ 20-30%. Ráng tiêu thụ tiếp cho bà con, mua giá thấp tôi còn thấy ái ngại với nhà vườn, nhưng mua cao hơn thì không cầm cự nổi. Hiện, tôi đang tìm hướng đưa xoài qua Trung Quốc để tiêu thụ nhiều hơn”.

Cần khai thác thị trường trong nước

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nguyên nhân khó tiêu thụ chính là coi thường thị trường trong nước, khâu phân phối còn nhiều bất cập. Nhiều người dân thắc mắc, địa phương muốn nông sản được cứu, siêu thị bảo không mua được hàng, vì chưa đạt chuẩn chất lượng, giá cao. Đề nghị, nếu nông dân chấp nhận bán giá rẻ thì công ty, siêu thị có thể thu mua số lượng lớn để “giải cứu”.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, sao các nhà vườn không tự thân vận động, tự tìm kiếm khách hàng, các kênh phân phối phù hợp nhằm “tự giải cứu” mình trước khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc.

Một trong những ưu thế rất lớn của An Giang đó là mỗi năm tỉnh đón từ 7-8 triệu lượt du khách, nhà vườn có thể tận dụng lợi thế này nhằm kêu gọi mọi người cùng “giải cứu”, ưu tiên mua hàng nông sản Việt Nam để sử dụng thay thế các loại trái cây nhập khẩu cùng loại. Người dân An Giang vốn giàu lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con, nên chăng nhà vườn sau khi thu hoạch nông sản sẽ bày bán ở các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, ở các chợ, nơi tập trung đông dân cư…

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU