Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ

16/03/2020 - 06:52

 - Ngày 23-12-2019, UBND tỉnh An Giang ban hành quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-1-2020 theo Quyết định số 71/2019/QĐ-UBND tỉnh (thay thế Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 10-3-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020).

Quy định gồm 6 chương, 24 điều quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia thực hiện dự án hỗ trợ, đặc biệt ưu tiên đối với các DN nhỏ và vừa, các tổ chức KHCN, DN KHCN. Các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án phải có liên kết với tổ chức KHCN; DN KHCN trong và ngoài tỉnh.

Dự án được xét chọn phải thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sản xuất sạch hơn và bảo vệ môi trường; công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất máy móc, thiết bị, vật liệu mới và một số lĩnh vực khác; hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ươm tạo DN KHCN.

Theo UBND tỉnh, đối tượng được hỗ trợ có địa chỉ hoạt động trên địa bàn An Giang. Riêng đối với DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh phải hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh và thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước. Những dự án ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm phải có tính mới, tính tiên tiến, tính hiệu quả, tính khả thi và tính bền vững so với công nghệ cũ. Ưu tiên hỗ trợ các dự án có công nghệ cần chuyển giao của đơn vị trong tỉnh cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh; các mô hình, dự án áp dụng sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích.

Ưu tiên xem xét hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Dự án được hỗ trợ phải mang tính khả thi và giải quyết được nhu cầu bức xúc, cấp thiết của ngành, địa phương. Đồng thời, phải phù hợp với lĩnh vực ưu tiên và danh mục hỗ trợ được xem xét.

Đặc biệt, kết quả sản phẩm dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao; phải đảm bảo nguồn kinh phí đối ứng theo quy định (nếu có) và khả năng duy trì, nhân rộng dự án. Hộ tham gia thực hiện dự án nếu chưa nghiệm thu thì không được tham gia dự án khác thuộc quy định này (trừ trường hợp dự án phục vụ cho mục tiêu phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị). Các dự án hỗ trợ phải có thị trường tiêu thụ hay biên bản ghi nhớ hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân chỉ được xem xét hỗ trợ trước khi triển khai thực hiện dự án.

Mục tiêu của dự án phải rõ ràng và được định lượng, phải có tác động tích cực tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành và địa phương. Công nghệ hoặc sản phẩm KHCN có xuất xứ từ kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ đã được hội đồng KHCN đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị triển khai áp dụng hoặc kết quả khai thác sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Những mô hình từ thực tiễn có hiệu quả, khi gửi đơn đề nghị xem xét hỗ trợ từ quy định này, mô hình đó phải được thẩm định từ tổ chức KHCN. Công nghệ, sản phẩm KHCN phải đảm bảo tính ổn định ở quy mô sản xuất loạt nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng loạt.

Mức hỗ trợ thực hiện các dự án về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 600 triệu đồng.

Vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt, khó khăn tối đa đến 50% tổng kinh phí thực hiện dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng. Các dự án nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả được hỗ trợ tối đa đến 30% tổng kinh phí thực hiện dự án và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng.

Đối với các dự án sản xuất thử nghiệm hỗ trợ tối đa đến 30% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án, nhưng không quá 700 triệu đồng; địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hỗ trợ tối đa đến 50%, nhưng không quá 600 triệu đồng. Mức hỗ trợ thực hiện các dự án về chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, chuyển giao sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích (không bao gồm đầu tư trang thiết bị công nghệ) tối đa đến 100%, nhưng không quá 300 triệu đồng. Mức hỗ trợ thực hiện các dự án tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ và khả năng tiếp nhận các kiến thức khoa học tiến bộ mới là 100%, nhưng không quá 200 triệu đồng.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ thực hiện các dự án về ứng dụng, đổi mới công nghệ; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; sản xuất thử nghiệm; chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích; tập huấn kỹ thuật nộp hồ sơ đề nghị về Sở KHCN An Giang để được xem xét hỗ trợ.

HẠNH CHÂU