Học Bác từ những điều bình dị

11/03/2021 - 06:20

 - Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những việc làm cụ thể, bình dị, thiết thực và có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

Biệt đội vá đường từ thiện Chợ Mới

Hình ảnh của ông Sang với chiếc xe rà hút đinh tự chế đã trở nên quen thuộc với người dân

Biệt đội vá đường từ thiện

Biệt đội vá đường từ thiện Chợ Mới hơn 3 năm nay lặng lẽ cống hiến cho xã hội những cung đường bằng phẳng. Đội vá đường ban đầu có khoảng 5 người tham gia, dần dần đã tạo sức lan tỏa, đến nay có 25 thành viên với đầy đủ các thành phần nghề nghiệp, như: giáo viên, sinh viên, nông dân, thợ mộc… Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng họ vẫn xung phong tham gia trộn xi-măng, lắp đá vá lại những đoạn đường bị hư hỏng. Hễ thấy con đường nào trong huyện Chợ Mới xuất hiện “ổ voi”, “ổ gà”, gây cản trở việc đi lại của người dân là họ đến để làm không công.

Chỉ với suy nghĩ rất đơn giản: “Học Bác phải là việc làm tự thân. Mặt đường có “ổ voi”, “ổ gà” rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là vào ban đêm, nên mình cần vá lại để đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng” - ông Tạ Ngọc Cường (xã Long Điền B, Chợ Mới, đội trưởng) chia sẻ. Bởi ông Cường có thâm niên hàng chục năm làm việc ở Khoa ngoại chấn thương - Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới, từng gây mê, khâu vá vết thương cho người bị tai nạn giao thông và chứng kiến nỗi đau mất mát do tai nạn giao thông gây ra.

Làm từ thiện có ích cho đời

Học và làm theo Bác không phải là cái gì quá cao xa mà chính là những điều giản dị trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, khắc ghi lời Bác dạy: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm”, hơn 9 năm qua, Bếp cơm từ thiện Mỹ Long (TP. Long Xuyên, An Giang) phục vụ những bữa cơm no bụng, đảm bảo dinh dưỡng là việc làm chia sẻ phần nào khó khăn với các em học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp để họ vững tâm học tập và mưu sinh. Đó là công việc thầm lặng có sự đóng góp rất lớn của ông Hồ Mông Thọ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên).

Từ tháng 6-2012, ông Hồ Mông Thọ tham gia vào Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Long với chức vụ Trưởng ban, hoạt động từ thiện - xã hội nổi bật là Bếp cơm từ thiện Mỹ Long, mỗi ngày phục vụ miễn phí khoảng 1.000 suất cơm cho các em sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bà con lao động thu nhập thấp, góp phần vào công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Thông qua hoạt động khuyến học - khuyến tài, hàng năm, qua các kỳ tuyển sinh đại học hay thi tốt nghiệp THPT, bếp cơm đã đóng góp hàng ngàn suất cơm miễn phí. Ngoài ra, tích cực tham gia cùng với địa phương các phong trào chăm lo cho người nghèo, gia đình có công với cách mạng, phong trào xây dựng nông thôn mới, như: cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, quỹ Cây mùa xuân, quỹ Chăm lo gia đình có công với cách mạng… Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Long đã tích cực ủng hộ cho đoàn cứu trợ hàng tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm để phát những phần quà cho bà con nghèo ở miền Trung, miền Bắc bị thiên tai.

Cũng ở TP. Long Xuyên có ông Nguyễn Hữu Thời (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình). Là người lính cụ Hồ, sau chiến tranh trở về với đời thường, đến khi về hưu, vị cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời vẫn miệt mài cống hiến cho công việc của khóm, phường. Dù đã bước sang tuổi 70 và đôi chân bị tật nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài lo công tác ở khối vận phường Mỹ Bình. Hơn 25 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời mở lớp học tình thương để dạy cho các em con chữ, phép tính, dạy điều hay lẽ phải cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ. Mỗi quý, ông tự bỏ tiền lương của mình để mua quà cho các cháu; tuyên truyền nếp sống văn hóa, lễ nghĩa, các kỹ năng sống để chống xâm hại tình dục, giúp các cháu tránh xa tệ nạn xã hội, bảo vệ bản thân.

Ở TP. Long Xuyên người dân không xa lạ với hình ảnh của ông Nguyễn Thanh Sang (sinh năm 1965, ngụ ấp Tây Khánh 5, phường Mỹ Hòa) với chiếc xe rà hút đinh tự chế. Hàng ngày, ông điều khiển xe rà hút đinh trên các tuyến đường của TP. Long Xuyên và các địa bàn lận cận nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên đường.

Dù cuộc sống chưa mấy dư dả, bản thân ông là thợ sửa điện, thế nhưng từ giữa tháng 8-2019 đến nay, ông Sang vẫn đều đặn chạy xe rong ruổi trên các tuyến đường lớn nhỏ để rà hút đinh, giúp bà con yên tâm lưu thông. “Bản thân ao ước được làm điều này cả chục năm qua. Trước đây, khi còn vất vả mưu sinh ở TP. Hồ Chí Minh, hàng ngày bắt gặp nhiều người đi đường bị thủng bánh xe phải dẫn bộ mấy cây số mới tìm được chỗ vá, tôi rất nặng lòng. Mặt khác, khi xe bị cán đinh sẽ rất dễ lạc tay lái rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn, ngay cả bản thân cũng từng rơi vào tình cảnh đó”- ông Sang chia sẻ.

Với thiết kế đơn giản như mô hình một chiếc xe máy kéo, phía sau có gắn khoảng 20 cục nam châm lớn được nối liên tiếp nhau thành 2 hàng. Tính luôn cả khung xe tổng trọng lượng khoảng hơn 100kg. Xe đi tới đâu sẽ hút được các vật liệu bằng kim loại như sắt, kẽm... “Tiếng lành đồn xa”, việc làm của ông Sang đã được người dân trong và ngoài tỉnh An Giang hết lời ngợi khen. Để ghi nhận những cống hiến thầm lặng của ông Sang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã quyết định tặng bằng khen cho ông.

Ngoài những tập thể, cá nhân nêu trên còn rất nhiều cá nhân, tập thể điển hình với những việc làm bình dị, thiết thực, hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được nhân rộng, lan tỏa trong toàn xã hội.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU