Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị sẽ đề cập tới những thách thức của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh “bóng ma” về một cuộc chiến thương mại rình rập khi chủ trương bảo hộ đang trỗi dậy, nhất là việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm và dự định sẽ thông báo vào cuối tuần này các mức thuế mới đánh vào số hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghệ có trị giá lên đến 60 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc.
Các quan chức G20 bày tỏ quan ngại về những mối nguy mà cuộc chiến thương mại có thể gây ra đối với kinh tế của toàn cầu sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói Mỹ sẽ không hy sinh lợi ích quốc gia vì hệ thống thương mại tự do.
Tại hội nghị kéo dài trong hai ngày này, giới chức các nền kinh tế thành viên cũng sẽ thảo luận về các vấn đề cơ bản của nền kinh tế toàn cầu như triển vọng kinh tế đang sáng hơn, cấu trúc tài chính quốc tế, hệ thống thuế và hành vi trốn thuế, các quy tắc tài chính. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng cũng được các quan chức tài chính quan tâm là vấn đề đồng tiền ảo, cả về sức mạnh của loại tiền này cũng như khả năng sử dụng đồng tiền ảo như một phương tiện để trốn thuế và tài trợ cho các hoạt động phi pháp như rửa tiền…
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương G20 chia sẻ quan điểm rằng kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, đồng thời cho rằng cần theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường tài chính sau những biến động trong tháng Hai, nhất trí rằng cần tăng cường sự phối hợp trên toàn cầu vì sự tăng trưởng bền vững thông qua cải cách cơ cấu dài hạn.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho biết về cơ bản, triển vọng kinh tế thế giới là tích cực và bây giờ là thời điểm phù hợp để tiến hành những cải cách cần thiết. Theo bà Lagarde, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,9% trong năm nay, so với mức tăng 3,7% của năm 2017.
Trong khi đó, nước chủ nhà Argentina cũng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự một vấn đề hết sức quan trọng là tương lai của việc làm bởi vì công nghệ mới đang thay đổi cấu trúc việc làm truyền thống. Các nền kinh tế G20 có cơ hội để tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu tận dụng được xu hướng này. Ngoài ra, Argentina cũng cho rằng cần phải xem xét khả năng cho đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và để đạt được điều này thì các nước cần phải đưa ra được những bảo đảm về pháp lý và sự ổn định để có thể thu hút được nguồn vốn tư nhân trong dài hạn.
Với tư cách là Chủ tịch luân phiên, Argentina sẽ tổ chức một loạt các hội nghị liên quan của G20 trong năm nay và kết thúc bằng Hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào cuối tháng 11.
Theo HOÀI NAM - LÊ MINH (Báo Tin Tức)