Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

08/11/2022 - 06:47

 - Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, sinh kế vùng ĐBSCL rất phong phú, mạnh nhất là sản xuất lúa, màu, trái cây và nuôi trồng thủy sản được xem là lớn nhất Việt Nam về sản lượng và giá trị. Nhưng giờ đây, “mẹ thiên nhiên” của vùng đã trở nên khó tính hơn, đồng nghĩa với việc cư dân sẽ vất vả hơn trong mọi hoạt động. Không có cách nào khác, chúng ta phải thay đổi tư duy và hành động.

Có rất nhiều “cái nhất” về tiềm năng phát triển, nhưng ĐBSCL cũng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động thủy điện thượng nguồn và sản xuất nội tại thiếu bền vững. Đây là 3 thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay và tương lai. Các tổ chức quốc tế nhận định: “ĐBSCL là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của BĐKH, như: Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác”.

An Giang là tỉnh đầu nguồn phía Tây Nam ĐBSCL, nằm trọn trong vùng Tứ giác Long Xuyên; là tỉnh có dân số cao nhất vùng. Hiện nay, địa phương có nhiều thế mạnh về tài nguyên nước, canh tác lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, tài nguyên rừng đa dạng sinh học, khai thác du lịch tâm linh; có nhiều nguồn vật liệu xây dựng, thương mại xuyên biên giới, năng lượng tái tạo.

Thế nhưng, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh dẫn đầu ở ĐBSCL về sử dụng quá mức phân bón, nông dược, cao gấp 4 lần so trung bình thế giới. Trong nuôi trồng thủy sản, nông dân ĐBSCL thường thả nuôi cá, tôm với mật độ rất cao, cho ăn thức ăn nhiều đến mức dư thừa. Ao nuôi tích lũy nhiều phân cá, tôm, nước ít được thay đổi, khiến tảo lam, tảo giáp, tảo mắt… phát triển mạnh, hấp thu nhiều ô-xy, thải ra CO2, kéo theo pH trong nước giảm.

Ví dụ, muốn có 1kg cá, phải cho ăn từ 1,5-2kg thức ăn. Trong khi cá chỉ tiêu thụ 17% thức ăn, còn lại thải ra nguồn nước. Năm 2020, ĐBSCL sản xuất được 1,52 triệu tấn cá tra, nhưng lượng thức ăn cho cá khoảng 3 triệu tấn. Tổng lượng chất thải nuôi cá tra là 2,4 triệu tấn (gồm phân cá và chất hữu cơ thối rữa) thải ra môi trường.

Thách thức An Giang đang gặp phải nằm ở lao động (trình độ và kỹ năng nghề thấp, di dân thiếu kiểm soát, thu nhập thấp), đất đai (nguy cơ sạt lở, lún sụt cao, phù sa giảm nghiêm trọng, bạc màu, hoang hóa), nước (ô nhiễm hữu cơ, hóa chất độc hại, xâm nhập mặn, phụ thuộc nhiều vào bên ngoài).

Tuy nhiên, cơ hội của tỉnh cũng rất nhiều, nằm ở nông nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch, năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, kinh tế tri thức, thương mại xuyên biên giới, xây dựng, đô thị xanh… An Giang còn là trung tâm đầu mối chủ lực cho sản xuất lúa gạo và hoa màu cho cả vùng ĐBSCL và cả nước; nhiều tiềm năng trở thành tỉnh có sản lượng năng lượng mặt trời cao nhất ĐBSCL.

Phân tích tất cả vấn đề trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) khẳng định, đã đến lúc An Giang cần nhìn nhận thật sâu sắc các vấn đề đang đặt ra. Nhận diện đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tác động của BĐKH và các vấn đề xuyên biên giới, đòi hỏi phải có suy nghĩ lớn, không phải chỉ riêng nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, mà còn là cộng đồng người dân.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, cần bảo vệ môi trường bằng cách: Tôn trọng quy luật tự nhiên; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; quy trình công nghiệp sạch hơn; tạo nền kinh tế tuần hoàn; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng năng lượng tiết kiệm và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Tương tự, để ứng phó BĐKH, cần có chính sách phát triển bền vững; gia tăng diện tích cây rừng; sản xuất xanh - sạch - tiết kiệm; tiêu thụ khôn ngoan và hiệu quả; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực cộng đồng.

“Nền tảng chính sách lớn An Giang đang được thụ hưởng là Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh cần xây dựng quy hoạch phù hợp với thế mạnh, tiềm năng, thống nhất với quy hoạch vùng và cả nước. Cần phát triển kinh tế đa dạng dựa trên làm giàu vốn tự nhiên và con người - xã hội. Nguồn tài nguyên rừng đang rất phong phú, là cơ hội để An Giang ứng phó với BĐKH” - PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, An Giang hiện đã xuất hiện nhiều dấu hiệu gia tăng hiện tượng BĐKH. Đó là gia tăng bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí; mưa bất thường (giảm mưa đầu mùa, tăng cuối mùa), xu thế gia tăng mức lũ thấp, sạt lở đất vùng núi và đất ven sông, thiếu nước vào mùa khô, ngập lụt đô thị vào mùa mưa bão, xâm nhập mặn mùa khô từ phía tỉnh Kiên Giang, giảm sút bùn cát.

VẠN LỘC