Cần đánh giá lại thị trường
Là một DN đã đưa được những sản phẩm trái cây Việt Nam sang những thị trường khó tính, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu, huyện Chợ Lách, Bến Tre) cho rằng, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 là bài học kinh nghiệm quý báu về định hướng thị trường.
“Đối với nông sản xuất khẩu, không nên dồn vào 1 thị trường duy nhất bởi khi bị ùn tắc, thiệt hại sẽ rất lớn. Điển hình là những DN chuyên xuất khẩu vào Trung Quốc hiện nay. DN nên củng cố lại hệ thống sản xuất và tiêu thụ để phân tán thị trường, chú ý không quên thị trường trong nước. Thời gian qua, khi xuất khẩu gặp khó khăn, chính thị trường trong nước đã giúp tiêu thụ hàng hóa nhanh” - bà Thu phân tích.
Tại An Giang, dù đã hợp tác xây dựng được vùng nguyên liệu xoài ở Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên nhưng Giám đốc Công ty Chánh Thu vẫn chưa hài lòng vì mối liên kết đôi lúc chưa chặt chẽ.
“Do điều kiện công ty ở xa địa bàn An Giang nên gặp khó khăn về điều kiện thu mua. Lúc công ty cần thì nông dân chưa có, lúc hàng nhiều thì công ty chưa giải quyết kịp. Đối với nông sản xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, thời gian từ lúc thu hoạch đến bảo quản, chiếu xạ, xuất khẩu là rất quan trọng” - bà Thu đánh giá.
Cần hỗ trợ công nghệ ủ chín để sản phẩm chuối kết nối tiêu thụ được vào hệ thống phân phối trong nước
Thể hiện quyết tâm gắn kết với An Giang, bà Thu cho biết, Công ty Chánh Thu hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu xoài đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn và bền vững phục vụ xuất khẩu, đồng thời xây dựng được thương hiệu để tiêu thụ trong nước. Bà Thu đề nghị tỉnh hỗ trợ những dự án khởi nghiệp ở địa phương, phát triển những DN trong tỉnh chuyên thu mua xoài để cung cấp cho DN ngoài tỉnh.
“DN trong tỉnh sẽ thu mua tốt hơn, đúng thời điểm và kịp thời hơn, đảm bảo rút ngắn được thời gian từ khâu thu hoạch đến thực hiện các quy trình xuất khẩu. Về phía Công ty Chánh Thu, sẽ làm việc với HTX, nông dân ở vùng trồng để thống nhất quy định trách nhiệm trong các khâu sản xuất, từ đó hợp tác chặt chẽ hơn” - bà Thu nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Chánh Thu Nguyễn Thị Hồng Thu cũng lưu ý, tỉnh An Giang với hơn 11.000ha xoài đang cho trái, sản lượng sắp tới sẽ rất lớn. Tỉnh cần chuẩn bị trước các kênh tiêu thụ, không chỉ sản phẩm tươi mà cần khuyến khích DN đầu tư đa dạng hóa sản phẩm bảo quản được như: xoài sấy, nước ép xoài, sản phẩm xoài cấp đông…
Chủ động kết nối
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng xuất khẩu của An Giang vẫn đạt khá. 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của tỉnh ước đạt 145,5 triệu USD, tăng 3,71% so cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, với những sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày như: xoài, chuối có thể gặp khó khăn khi bước vào thu hoạch chính vụ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị gồm: Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hội Nông dân tỉnh đã họp đánh giá tình hình và thống nhất giải pháp hỗ trợ khi có diễn biến bất lợi về thị trường. Đồng thời, tổ chức các chuyến khảo sát, làm việc với địa phương có vùng nguyên liệu nông sản để nắm bắt thực tế.
Theo ông Lợi, Sở Công thương đã làm việc và có nhiều văn bản đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên địa bàn An Giang và các nhà phân phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh như: Big C, Mega, Co.opmart, Aeon, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh… đồng thời đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của An Giang.
Qua đó, kết nối được siêu thị Tứ Sơn, Co.opmart Long Xuyên và Co.opmart Thoại Sơn tiêu thụ được sản phẩm bưởi da xanh, xoài tượng. Tuy nhiên, việc kết nối với các sản phẩm khác gặp vướng mắc.
Cụ thể, siêu thị Big C tại TP. Hồ Chí Minh đồng ý mở mã code để nhập mặt hàng xoài An Giang nhưng khi liên hệ đặt hàng theo giá ban đầu thì HTX, nông dân trồng xoài đòi tăng giá bán nên không thống nhất. Đối với sản phẩm chuối của Công ty SD (Tri Tôn), siêu thị Big C và bộ phận thu mua của Bách Hóa Xanh đồng ý kết nối tiêu thụ nhưng do Công ty SD chỉ cung cấp chuối xanh (chưa ủ chín) nên không liên kết được.
Trước thực tế này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở, hệ thống cán bộ nông nghiệp ở cơ sở phối hợp các địa phương rà soát kỹ diện tích, thời điểm thu hoạch nông sản, các đầu mối thu mua, từ đó thống kê sản lượng cụ thể cần hỗ trợ tiêu thụ để Sở NN&PTNT nắm, phối hợp Sở Công thương kết nối DN, siêu thị, cửa hàng tiêu thụ đạt hiệu quả.
NGÔ CHUẨN