Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

04/12/2020 - 13:32

Sáng 4-12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.592 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Các đại biểu tham dự đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tới dự đại hội có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế cùng 1.592 đại biểu chính thức đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại Đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là một sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thực hiện Chỉ thị 35/CT-TW của Ban Bí thư về Đại hội các dân tộc thiểu số và Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 22-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, vững tin hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện lãnh đạo các cấp, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, tướng lĩnh quân đội, công an, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín... thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đọc diễn văn khai mạc Đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

“Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nhấn mạnh.

Cũng tại lễ khai mạc, đại diện thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số, nữ thanh niên Hoàng Diệu Linh, dân tộc Bố Y, phát biểu chào mừng, bày tỏ xin gửi tới Đại hội niềm tin sâu sắc vào Đảng, Nhà nước, đồng thời hy vọng Đại hội sẽ tiếp tục tiếp thu những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào để nghiên cứu đưa ra những đề xuất, giải pháp để thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay mặt thanh thiếu nhi người đồng bào dân tộc thiểu số, nữ thanh niên Hoàng Diệu Linh xin hứa sẽ luôn đoàn kết, gia sức thi đua, phấn đấu trong học tập, công tác, lao động sản xuất, quyết tâm vươn lên, cùng nhau đồng lòng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.

Đoàn Chủ tịch tại Đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo chương trình làm việc, Đại hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận Báo cáo chính trị của Đại hội, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”; nghe báo cáo của các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Đại hội sẽ được lắng nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội.

Trước đó, ngày 3-12, đã diễn ra phiên trù bị Đại hội với các nội dung: Báo cáo Tổng hợp về nhân sự Đại hội; Thông qua nội quy Đại hội; Thông qua Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội và Thông qua Chương trình Đại hội chính thức.

Tại phiên trù bị, Đại hội đã biểu quyết thông qua Nội quy của Đại hội; danh sách Đoàn Chủ tịch gồm 68 đồng chí (trong đó có 41 đại biểu nam, chiếm 60,29% và 27 đại biểu nữ, chiếm 39,7%); Đoàn Thư ký gồm năm đồng chí và thông qua Chương trình Đại hội.

Các đại biểu tham dự Đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Theo Báo cáo Tổng hợp về nhân sự Đại hội, 51 tỉnh/thành phố và 55 bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử đủ đại biểu đại diện cho 54 dân tộc để tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Trong đó, các dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất (có từ 100 đại biểu trở lên) gồm các dân tộc: Tày 225 người (chiếm 14,17%); Mường 176 người (chiếm 11,08%); Thái 142 người (chiếm 8,94%); Khmer 132 người (chiếm 8,31%), Mông 116 người (chiếm 7,3%).

Các dân tộc có số lượng đại biểu ít nhất gồm năm dân tộc: Chứt, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ Đu (mỗi dân tộc một đại biểu).

Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Về giới tính: đại biểu nam 1.079 người (chiếm 67,7%); đại biểu nữ 514 người (chiếm 32,37%). Đại biểu cao tuổi nhất là ông Huỳnh Phến, 91 tuổi, dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày, Học sinh giỏi Trường chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước.

Về trình độ, đại biểu có trình độ Tiến sĩ 65 người (4,09%); Thạc sĩ 272 người (17,13%); Đại học: 883 người (55,6%); Cao đẳng, trung cấp: 107 người (6,73%); trình độ khác: 261 người (16,43%)...

Theo TRỊNH DŨNG - BÔNG MAI (Nhân Dân)