Khai thác thế mạnh nông nghiệp ở Tri Tôn

16/12/2022 - 07:03

 - Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang tập trung khai thác thế mạnh theo hướng thu hút doanh nghiệp (DN) vào đầu tư, phát triển hợp tác xã (HTX), hình thành chuỗi liên kết giá trị. Những mô hình sản xuất lớn xuất hiện ngày càng nhiều.

Chăn nuôi trang trại ở Tri Tôn phát triển

Xây dựng hợp tác xã gắn với doanh nghiệp

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2022 ước đạt 116.623ha (vụ đông xuân 42.624ha, hè thu 44.378ha, thu đông 29.484ha, vụ mùa 136,4ha). Dù diện tích trồng lúa vẫn chiếm tỷ trọng cao (97,9%) nhưng sản lượng lúa có khuynh hướng giảm nhẹ (đạt 713.800 tấn, giảm 620 tấn so năm 2021).

Bù lại, nông dân chuyển đổi sang những loại cây trồng có giá trị hơn. Tổng diện tích cây ăn trái toàn huyện đạt 2.200ha, tăng 111ha so cùng kỳ 2021, gồm nhiều chủng loại, như: Xoài, cây có múi (bưởi, cam, chanh, quýt), mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn… Để phục vụ sản xuất, năm 2022, huyện triển khai thi công 85 công trình thủy lợi, tổng mức đầu tư hơn 41,5 tỷ đồng.

Năm 2022, tổng đàn heo của huyện tăng mạnh, đạt 20.359 con, tăng 41,6% (tương đương 5.979 con), chủ yếu tập trung ở trại nuôi của DN (13.775 con), còn lại là hộ chăn nuôi (6.584 con). Tri Tôn cũng thu hút 93 nhà nuôi chim yến, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhằm tập hợp nông dân phát triển sản xuất lớn, liên kết DN xây dựng chuỗi giá trị bền vững, Tri Tôn đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Năm 2022, huyện thành lập Liên hiệp HTX Tri Tôn và 3 HTX nông nghiệp mới. Đây là địa phương thứ hai của tỉnh (sau huyện Thoại Sơn) thành lập được liên hiệp HTX.

Đến nay, toàn huyện có 24 HTX đang hoạt động, trong đó có 10 HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, diện tích 1.727ha. Ngoài ra, còn có 48 tổ hợp tác với 600 thành viên và 23 trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang hoạt động. Đây là điều kiện để huyện thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

Cùng với hỗ trợ thành lập HTX, Tri Tôn luôn tăng cường mời gọi đầu tư, phát huy hiệu quả vai trò của Ban hỗ trợ DN huyện để hướng dẫn, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tham gia thành lập và liên kết với HTX, tổ hợp tác.

Sắp tới đây, sẽ có thêm những dự án được kỳ vọng tạo sức bật mới cho nông nghiệp Tri Tôn, như: Dự án khu sản xuất giống cá tra 3 cấp công nghệ cao Hiệp Thành Phát (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước); dự án trại heo nái - heo thịt công nghiệp THAGRICO An Giang 2 (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi); dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước); dự án chăn nuôi vịt thịt theo hướng công nghệ cao (ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới); dự án chăn nuôi bò thịt (xã Châu Lăng)...

Nâng giá trị nông nghiệp

Năm 2022, giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện Tri Tôn đạt hơn 143 triệu đồng/ha, vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, huyện đặt chỉ tiêu đạt giá trị sản xuất bình quân 148,1 triệu đồng/ha. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí, huyện đề ra giải pháp thực hiện trên từng lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với trồng trọt, Tri Tôn tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết, từng bước tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện tập trung triển khai kế hoạch xuống giống đảm bảo lịch thời vụ, hoàn thiện lại các vùng đê bao sản xuất vụ 3, nhất là vùng mới, chỉ sản xuất 3 vụ ở vùng có đê bao an toàn.

Ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP và tham gia các chuỗi liên kết lúa gạo để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Huyện tiếp tục mở rộng cả về quy mô, đối tượng, chủng loại giống cây trồng có giá trị cao, hình thành các vùng lúa chất lượng cao, vùng trồng dược liệu, cây ăn trái, chuối cấy mô, chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành vùng chuyên canh màu…

Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển trang trại tập trung liên kết với DN. Trên cơ sở hình thành vùng chăn nuôi xa khu dân cư, địa phương bố trí lại hợp lý chuồng trại, ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng hố biogas để xử lý chất thải, phát triển chăn nuôi bền vững…

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH với quy mô 20.000 con tại xã Vĩnh Gia; quy hoạch vùng trồng cỏ, cây thức ăn cho bò khoảng 3.000ha tại xã Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lạc Quới, Lương An Trà.

Cùng với khuyến khích nông dân trồng cỏ, cây làm thức ăn chăn nuôi gia súc trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, huyện Tri Tôn tiếp tục hỗ trợ xã, thị trấn hình thành, phát triển tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, nhằm duy trì ổn định tổng đàn trong năm 2023 (đàn bò đạt 10.000 con, heo 27.000 con, gia cầm trên 450.000 con).

Huyện Tri Tôn đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp công trình hạ tầng phát triển kinh tế, công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện nông thôn phục vụ xây dựng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh theo mô hình “Cánh đồng lớn”, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

NGÔ CHUẨN