Khai thác vườn bưởi để tạo thêm mô hình sinh kế

06/07/2023 - 06:50

 - Từ 1ha trồng bưởi, gia đình bà Lê Thị Do (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tận dụng khu vườn và cả số bưởi non được tỉa bỏ bớt trong quá trình chăm sóc cây bưởi để tạo thêm mô hình phát triển kinh tế, giúp tăng nguồn thu cho gia đình.

Vốn làm nghề nông, trước kia 1ha đất của gia đình bà Do chủ yếu trồng lúa. Năm 2016, nhận thấy cần phải chuyển đổi sản xuất để cải thiện kinh tế, bà Do đến các địa phương khác trong huyện Châu Phú có “thâm niên” về canh tác cây có múi để học tập kinh nghiệm.

Nhớ về quá trình đến với nghề trồng vườn, bà Do kể: “Năm 2016, trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh Trung (hiện nay là thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) chưa có nhiều người trồng vườn, nên tôi vào xã Ô Long Vĩ và Khánh Hòa học hỏi những người có kinh nghiệm làm vườn. Được chia sẻ tận tình, từ đó gia đình tôi bắt tay vào trồng bưởi đến nay”.

Giai đoạn đầu, gia đình bà Do gặp không ít khó khăn, từng chuyện một đều phải tìm hiểu, học tập nhiều nơi và tự rút kinh nghiệm sau những lần sai sót trong cách chăm sóc cây bưởi ở từng giai đoạn phát triển. Nhờ kiên trì, chịu khó, theo thời gian “nghề dạy nghề” nên mấy năm qua, vườn bưởi của gia đình bà Do phát triển tốt, năng suất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tơm và bà Lê Thị Do chia sẻ về quá trình trồng vườn của gia đình

Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của hội nông dân và hội liên hiệp phụ nữ, bà Do được đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình làm vườn của hợp tác xã ở các tỉnh. Với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, gia đình bà Do tìm mua sinh khối trùn quế, nuôi tại vườn bưởi để lấy phân vi sinh hữu cơ do trùn quế tạo ra bón cho vườn bưởi.

Ban đầu, hơn 100kg sinh khối trùn quế mua từ ngoài tỉnh về do điều kiện nuôi chưa phù hợp nên trùn quế hao hụt. Tiếp tục mua bổ sung thêm hơn 100kg sinh khối trùn quế và nắm được kỹ thuật nuôi, trùn quế bắt đầu thích nghi điều kiện sống. Đến nay, lượng trùn quế phủ khắp 1ha trồng bưởi, giúp gia đình bà Do giảm khoảng 60% lượng phân bón hóa học bón cho cây.

Ông Nguyễn Văn Tơm (chồng bà Do) cho biết: “Gia đình sử dụng phân bón khác cho cây vào giai đoạn thu hoạch xong trái, cần bón thúc để cây hồi sức và cho trái ở vụ tiếp theo. Khi cây ra trái vụ mới, tôi không sử dụng phân thuốc hóa học, lượng phân bón chăm sóc cây phát triển và nuôi trái cho cả khu vườn chủ yếu từ phân trùn quế”.

Thông thường khi bưởi kết trái, nhà vườn sẽ cắt bỏ bớt một số trái không đẹp để giữ sức cho cây và nuôi những trái còn lại phát triển tốt, đạt năng suất. Cũng bằng hình thức này, sau khi bỏ những trái bưởi xấu, bà Do tận dụng những trái bưởi này để làm thức ăn nuôi trùn quế, tạo thành vòng khép kín trái bưởi nuôi trùn, phân trùn bón lại cho cây. Ngoài ra, để tận dụng số trái bưởi non lược bỏ, gia đình bà Do còn tìm tòi, học hỏi thêm cách chế biến tinh dầu bưởi để tăng nguồn thu cho gia đình.

Sản phẩm tinh dầu bưởi

Bà Do chia sẻ: “Mấy năm trước, trong một lần đến tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, tôi biết được vỏ bưởi có thể tận dụng để chế tinh dầu. Tuy nhiên, giai đoạn đó gia đình còn bận bịu với mô hình trồng bưởi kết hợp du lịch sinh thái, chưa có thời gian tìm hiểu sâu hơn về phương pháp chế biến tinh dầu.

Gần đây, gia đình đã tìm hiểu cặn kẽ, mua thêm dụng cụ cần thiết chiết suất tinh dầu bưởi bán ra thị trường. Nếu trước đây trái bưởi non tỉa bỏ được dùng hoàn toàn để nuôi trùn quế thì nay gia đình tôi tận dụng số bưởi này, gọt lấy phần vỏ mỏng bên ngoài để chiết xuất lấy tinh dầu.

Ngoài ra, phần bã của vỏ bưởi sau khi chiết suất tinh dầu vẫn tiếp tục được dùng để làm thức ăn nuôi trùn quế. Rất mừng vì sản phẩm tinh dầu bưởi được người dùng đón nhận, làm ra không đủ nhu cầu của người cần mua”.

Sản phẩm tinh dầu bưởi do gia đình bà Do sản xuất tại nhà, hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất nên rất được những tiệm làm tóc và nơi làm dịch vụ chăm sóc da ưa chuộng. Hiện, sản phẩm tinh dầu bưởi đã đăng ký kinh doanh. Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân huyện đã đến khảo sát để hỗ trợ gia đình bà Do thực hiện các thủ tục, hướng đến đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm tinh dầu bưởi và trái bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ.

Bà Do cho biết: “Trước khi làm ra sản phẩm tinh dầu bưởi, khoảng năm 2019, gia đình tôi có tận dụng không gian của vườn bưởi để xây dựng mô hình du lịch sinh thái, kết hợp phục vụ khách ăn uống tại vườn. Mô hình hoạt động khá tốt, thu hút khách. Tuy nhiên do dịch COVID-19 bùng phát, gia đình tôi tạm ngưng hoạt động, dừng đón khách đến tham quan. Đến nay, đời sống đã khôi phục bình thường, gia đình có ý định sẽ mở lại mô hình tham quan sinh thái, tiếp tục đón khách đến vui chơi, trải nghiệm”.

MỸ LINH